TỔNG KẾT HỘI THI SÁNG TÁC CHÀO MỪNG NGÀY NGVN 20-11
Viết bởi Ban Biên Tập Thứ sáu, 27 Tháng 11 2020 13:27
Kính thưa Thầy giáo Lê Thanh Tiền- Hiệu trưởng nhà trường !
Kính thưa quý thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến!
Hôm nay, thay mặt cho Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác Tuổi học trò lần thứ 5 của trường THPT Duy Tân, cô xin tổng kết cuộc thi.
Các em thân mến! Sau gần 1 tháng phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được hơn 60 tác phẩm dự thi với nhiều đề tài, thuộc nhiều thể loại khác nhau. Trong đó, có 22 tác phẩm được lọt vào vòng chung khảo. Ban tổ chức đã chọn ra 12 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, gồm: 2 bài thơ, 3 tản văn và 7 truyện ngắn.
Với chủ đề tri ân thầy cô giáo nhân dịp 20-11, BTC nhận được rất nhiều những sáng tác xúc động về thầy cô như: Cô giáo em của Phan Thị Ánh Minh, Bóng người dưới ánh hoàng hôn của Thái Thị Ngọc Kim, Cô giáo tôi của Nguyễn Thị Thu Hà lớp 11/8, Công ơn người lái đò của Huỳnh Thị Thu Thảo lớp 10/1, Cô Lê Diệu của Phạm Văn Nhật lớp 10/4, Người lái đò của Nguyễn Thị Thanh Phương,... Đặc biệt, Khung trời thương nhớ của em Nguyễn Huỳnh Giang lớp 11/1 đã đoạt giải nhất của cuộc thi. Khung trời thương nhớ đưa ta đến với câu chuyện về thầy Châu, một người thầy "siêu khó tính, nóng nảy, cục mịch" và rất nghiêm khắc. Nhưng rồi, cũng chính lũ học trò bao lần hả hê khi chọc thủng lốp xe của thầy lại xót xa ân hận khi chứng kiến thầy vội vã lao ra ngoài trời mưa, bỏ lại dòng chữ viết dở trên bảng đen để chạy đi cứu đứa học trò đang gặp nạn trên đường. Đứa học trò quậy phá năm xưa giờ đã lớn khôn, không nguôi day dứt nhớ thương mỗi mùa 20.11 lại về: "Thời gian thì cứ trôi qua, bao mùa phượng bùng cháy, bao mùa lá thu rơi xạc xào trên sân trường, từng lứa học trò chúng tôi ra đi nhưng thầy cô vẫn mãi ở đó, vẫn đứng trên bục giảng ấy để thổi vào trong trái tim bao thế hệ những con chữ, thổi vào lòng học trò sự quyết tâm vượt lên mọi khó khăn, thách thức. Những hạt bụi phấn vương tóc thầy, đến khi chúng em kịp nhận ra thì tóc thầy đã chuyển sắc tự bao giờ!".
Cũng là tác phẩm thành công khi viết về đề tài này, Thầy tôi của em Phạm Hoàng Phương, lớp 11/1 lại ăm ắp cảm xúc nhớ thương và đầy tính triết lí. Chúng ta hãy đọc đoạn văn mở đầu tác phẩm: "Khi cái nắng vàng hoe dần dần khép lại là lúc những cơn gió lạnh tràn về kéo theo những trận mưa lũ đổ dồn lên dải đất miền Trung. Bước chuyển dịch chóng vánh của thiên nhiên mang đến cho người dân quê tôi bao nỗi âu lo mùa lũ! ...Lặng nhìn những chiếc lá nằm trải dày trên mặt đất bị luồng gió cuộn lại một vòng rồi cuốn đi mất hút, tự dưng thấy thương chiếc lá. Vậy là hết phận đời xanh ngắn ngủi! Bỗng dưng tôi nhớ đến thầy. Phải, phận đời ngắn ngủi! Mùa đông giá buốt năm ấy đã mang theo cả người thầy đáng kính của tôi về chốn vĩnh hằng...".
Viết về mái trường Duy Tân, về tuổi học trò mơ mộng, về tình bạn sáng trong... các em cũng đã có những trang văn lắng sâu cảm xúc như tản văn của Nguyễn Lê Thanh Vân lớp 12/1, Được sống có thực sự hạnh phúc của Phan Thị Thùy Oanh lớp 12/3, Gửi thời thanh xuân tươi đẹp của chúng tôi của Lương Thị Ngọc Duyên lớp 12/6,... Tác phẩm Duy Tân- Nơi gieo mầm những ước mơ của em Lương Thị Phương Yên lớp 12/8 sẽ giúp ta hiểu được những tâm tư của những cô cậu học trò năm cuối cấp, những tình cảm mà các em dành cho ngôi trường và thầy cô nơi đây. Đó là những lo lắng của các em về việc chọn ngành nghề cho tương lai, là trăn trở học ở đâu để bớt nhớ nhà. Đó là việc "khi đã là 12 hầu hết trong lớp sẽ chia thành 2 phe : xã hội và tự nhiên. Đến những tiết Lý - Hoá là khoảng thời gian mà các bạn phe tự nhiên được phát huy những tài năng tính toán ... Nếu các bạn được học tiết Hoá của thầy Việt hay tiết Lý của thầy Thật có lẽ mọi sự chán nản buồn ngủ của bạn sẽ được giảm di phần nào bởi sự hài hước của thầy. Ngược lại, trong các giờ Văn-Sử - Địa thì phe xã hội có lẽ sẽ chăm học hơn... Đôi khi vẫn có thành phần say sưa ngủ trong giờ học, đó là những bạn sẽ nằm giữa 2 phe: không ham học xã hội cũng chẳng thích tự nhiên. Đơn giản vì mục tiêu của bạn chỉ là đậu tốt nghiệp ...".
Đặc biệt năm nay có bài viết về nhân viên của nhà trường, đó là Người thủ thư của Thái Thị Ngọc Kim lớp 12/1. Với sự đồng cảm sâu sắc, người viết đã hóa thân làm cô thủ thư để suy tư: "Cái nghề này nói nhàn thì không hẳn nhàn. Chỉ là có chút cô đơn. Đặc biệt là khi trường chuyển thư viện lên đây, nó càng quạnh quẽ. Những buổi chiều gió lay cửa rèm, một mình ngồi trong thư viện, bỗng thấy lòng trống vắng lạ kỳ. Bất giác nhớ đến những lúc ngồi nghe học trò tâm sự, những khi chuyện trò cùng đồng nghiệp. Mỗi lúc như thế, tôi lại vơ lấy một cuốn sách đọc ngấu nghiến để hòa mình vào thế giới tri thức mênh mông. Có đôi khi, tôi cũng lặng lẽ ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên đất trời như hôm nay".
Viết về tình bạn, những sáng tác của em Phan Thị Thùy Oanh lớp 12/3, em Hồ Thị Thúy Ngân lớp 10/5... thật day dứt và thấm đẫm nỗi buồn. Đó là vì tình bạn thân thiết bao năm bỗng chốc tan vỡ vì những hiểu lầm vu vơ. Để rồi, giờ đây, khi trên Radio phát những dòng tâm sự: "Chúng ta năm đó thừa tư cách đi cùng nhau ấy mà hiện tại chúng ta dùng tư cách người lạ từng quen để đứng bên lề cuộc đời của nhau. Ngày đó chúng ta thân thuộc biết bao nhiêu bây giờ gặp lại chẳng dám chào...." thì nhân vật tôi lại không kìm được nước mắt. Tôi khóc không phải vì giọng đọc hay mà khóc vì tôi bắt gặp hình ảnh của chúng tôi trong đó. Giá như thời gian quay lại để tôi nói lời xin lỗi, để tôi vẫn có bạn trong cuộc đời... Cùng viết về tình bạn, nhưng Vua hải tặc của Phan Thị Ánh Minh lớp 12/1 lại có một cái kết thật đẹp. Truyện kể về đôi bạn thân từ tấm bé là tôi và thằng chuột. Hai đứa cùng mê truyện Vua hải tặc. Cậu bé chuột luôn ước mơ trở thành vua hải tặc để lênh đênh trên khắp đại dương, đi tìm kho báu để chia cho người nghèo... Dù bị bạn bè cười chê, hai đứa trẻ ấy vẫn kiên định ước mơ của mình. Mười lăm năm sau, khi gặp nhau ở Trường Sa đầy nắng và gió, nhân vật tôi ngày nào trở thành cô phóng viên, còn cậu bé chuột đã trở thành chàng hải quân với đôi mắt ngời sáng niềm tin. "Khi tôi hỏi chuột về kho báu:
- Thưa vua hải tặc, kho báu của ngài đâu rồi?
- Kìa! Vừa nói nó vừa mỉm cười chỉ tay về cột mốc Trường Sa sừng sững, nơi có chàng hải quân đứng nghiêm trang, cầm chắc tay súng, mắt hướng về lãnh hải thân yêu...".
Không chỉ viết về thầy cô, bạn bè, mái trường, cuộc thi lần này còn có nhiều tác phẩm viết về cha mẹ, ông bà, quê hương, tình làng nghĩa xóm... như Miền Trung của Nguyễn Văn Quý lớp 12/4, Tình đoàn kết giữa mùa bão của Lê Thị Hiếu, lớp 11/7; Miền Trung quê hương tôi của Nguyễn Thị Quỳnh Như lớp 10/1; Quê tôi của Nguyễn Thị Bích Ngọc lớp 12/7, Thương em, cô gái có nghị lực phi thường của Nguyễn Thị Thu Thiên lớp 12/4, Trái tim đẹp nhất thế gian của Trần Thị Thúy Diệu lớp 12/1,...Nổi bật nhất trong mảng đề tài viết về gia đình là truyện ngắn Gánh hàng rong nuôi lớn đời tôi của Phan Thị Thùy Oanh lớp 12/3. Lấy bối cảnh Hà Nội, Thùy Oanh đã viết rất xúc động về một người mẹ nhọc nhằn bán xôi để nuôi con. Ngày con gái nhận được học bổng ở trường Đại học, mua chiếc áo ấm để đem về tặng mẹ thì mẹ đã không còn nữa. Nhìn mâm cơm lạnh ngắt, chiếc áo ấm chưa kịp mặc, lòng người con nhói đau: "Mẹ đi đã lâu, gánh hàng rong nuôi lớn cả đời tôi vẫn ở đó.... Trong thân thể tôi có một nắm xôi nóng hổi và những giọt mồ hôi, nước mắt của mẹ. Dù thời gian có thể làm phôi pha những kỉ niệm nhưng không thể chạm được góc nhỏ trong tim tôi, nơi tôi dành trọn tình yêu cho mẹ."
Và như mọi năm, cuộc thi lần này có rất nhiều sáng tác về tình yêu tuổi học trò. "Nếu cá voi khóc thì sao? Thì chẳng sao cả, bởi vì bao quanh nó đã là đại dương..." - câu nói ấy đã trở thành ý tưởng tuyệt vời khai sinh truyện ngắn Nếu cá voi khóc thì sao? của Trương Thanh Bình, lớp 12/1. Câu chuyện tình yêu, tình bạn năm cuối cấp với những hờn ghen, giận dỗi qua giọng văn rất tự nhiên, lôi cuốn của Thanh Bình hẳn sẽ làm vừa lòng những ai mê truyện ngôn tình: "Vào những ngày cuối cùng trước lễ trưởng thành, mọi người đều tất bật lo công việc, riêng tớ cứ ngồi thu mình một góc đọc truyện. Trời ơi, tớ thực sự không có đọc truyện, tớ đang nhìn cậu đấy.... Giờ đây trong lòng tớ là cả một bầu trời ướt tâm tư. Tớ cũng không biết từ bao giờ mà tớ lại thích ngắm mưa nữa. Mỗi lần như vậy tớ đều nghĩ vẩn vơ, thấy trong lòng bâng khuâng những nỗi buồn không làm sao cắt nghĩa được. Hình như tớ đang nhớ cậu.". Có thể nói, đây là một truyện ngắn có kết cấu rất độc đáo: Truyện được mở đầu và kết thúc bằng một câu văn đậm chất thơ, và đậm chất ngôn tình: " Tớ và cậu đã gặp nhau vào một ngày trời mưa tầm tã...". Vì vậy, tác phẩm hoàn toàn xứng đáng giành giải nhì của cuộc thi.
Cùng viết về tình yêu tuổi học trò, Người tui thích, tác phẩm đoạt giải ba của Trần Văn Tĩnh lớp 12/1 lại có một sức hấp dẫn riêng. Hồn nhiên- lãng mạn và u buồn là cảm nhận chung về truyện ngắn này. Đó là câu chuyện tình yêu được viết từ một con tim còn chưa lành vết thương, từ những dự định mãi dang dở và những khát khao còn vẹn nguyên. Câu chuyện bắt đầu thật tự nhiên: "Vẫn một buổi tối như thường lệ, tôi vẫn vậy, vẫn cô đơn chạy trên con xe Cub vẫn trống yên sau, vừa nghe những bản nhạc yêu thích sau những giờ học thêm đầy mệt mỏi để có thể cán mốc Đỗ Đại Học thì tôi lại bất giác nhớ về cậu..." . Và cứ thế, nỗi nhớ dẫn lối để từng kỉ niệm như một thước phim quay chậm ùa về. Tình yêu trong trẻo, ngọt ngào ấy được xác lập vào ngày hai đứa đi học về cùng dầm mưa trên chiếc cub 50, khi Tôi quay lại nhìn cậu ấy, hai ánh mắt cách nhau tấm kính, trong mắt cậu ấy lúc ấy như toả ra một năng lực kì bí đã nhốt tôi vào trong đó. Rồi tình yêu ấy được phát triển qua những giờ giải lao, khi hai đứa cùng đeo tai phone nghe nhạc, thi thoảng nhìn vào mắt nhau, không nói gì mà như đã hiểu thấu lòng nhau. Tình yêu ấy đã gieo trong nhân vật tôi bao mơ mộng. Nhưng cuộc đời không là mơ. Câu chuyện kết thúc trong âm điệu buồn da diết và khắc khoải: "Và bây giờ, khi trời đổ mưa, những hạt mưa như mang hình ảnh cậu rơi trước mắt tôi. Ngày giáng sinh, đêm giao thừa, vẫn khuôn viên ấy, vẫn cái thời tiết se se lạnh ấy, nhưng bây giờ không còn đôi trai gái trên chiếc xe Cub ngày nào, không còn cùng nhau nghe những bản nhạc thân quen..."
Cũng viết về tình yêu, tản văn Chàng trai tôi yêu năm 17 của Nguyễn Bích Thủy lớp 12/9 lại là những bộc bạch chân thật và những chiêm nghiệm về tình yêu của tuổi học trò. Có lẽ, nhiều người sẽ thấy mình trong những dòng tâm sự ấy của em: "Lần đầu tiên tôi hiểu được cảm giác nhớ một người day dứt ra sao dù mới gặp cách đó không lâu. Lần đầu tiên tôi hiểu được rằng con người ta khi yêu sẽ tự biến mình thành kẻ ngốc, tự huyễn hoặc những giấc mơ của riêng mình và ngượng đỏ mặt khi ai đó nhắc đến tên người ta. Lần đầu tiên tôi biết khóc vì một người dưng, biết đau khi rời xa một người đã từng là tất cả..."
Bên cạnh những trang văn đong đầy cảm xúc là những trang thơ giản dị, hồn nhiên như tâm hồn của người viết. Viết văn chưa bao giờ là dễ dàng. Làm thơ lại càng khó thay! Thơ là phút thần hứng, là sự thách đố với các em- những người đang tập làm thi sĩ. Dẫu nhiều bài thơ còn vụng về trong diễn đạt, dẫu chưa có sự hàm súc hay độc đáo về cấu tứ... nhưng Ban giám khảo rất trân trọng những cố gắng của các em. Đây đó, trong cuộc thi lần này, có những bài thơ gây ấn tượng, như bài thơ Chí Phèo của em Nguyễn Thanh Quy, lớp 12/5:
Đêm qua em định đi nằm
Nhớ lời cô dặn , chống cằm làm thơ
Nam Cao viết truyện Chí Phèo
Một làng Vũ Đại đói nghèo tối tăm
Cái lò gạch cũ còn đây
Đâu rồi anh Chí cuồng say một thời !
Bốn mươi năm, nửa cuộc đời
Thân tàn ma dại khóc cười cô đơn
Mặt mày vết xước cơng cơng
Cả làng Vũ Đại sạch trơn tình người
Dữ dằn mang tiếng cười chê
Chứ anh vốn dĩ chân quê hiền lành
Sóng đời xô đẩy thân anh
Cho nên anh phải lưu manh với đời
Có thể nói, cuộc thi sáng tác lần này sân chơi bổ ích để các em thử sức và thỏa mãn niềm đam mê văn chương, là nơi ươm mầm cho những tài năng trong tương lai. Chúc các em giữ lửa văn chương và truyền ngọn lửa ấy đến những người xung quanh. Hẹn gặp lại các em trong mùa giải năm sau với nhiều tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao hơn.
Kính chúc quý thầy cô giáo và các em học sinh một mùa nhà giáo 20 -11 đong đầy yêu thương!
Tam Kì, ngày 14/11/2020
Thay mặt BGK
Phan Thị Thanh Tuyền
- 04/02/2021 10:18 - Sinh hoạt ngoại khóa THANH NIÊN TRƯỜNG HỌC VỚI VĂN…
- 25/01/2021 08:13 - PHÁT HỌC BỔNG, TRAO QUÀ TẾT XUÂN TÂN SỬU 2021
- 02/01/2021 09:52 - LỚP HỌC XANH- SÂN CHƠI SÁNG TẠO VÀ ĐOÀN KẾT
- 25/12/2020 16:51 - NGÀY HỘI SÁNG TẠO TRẺ 2020 - SÂN CHƠI CỦA CÁC NHÀ…
- 03/12/2020 14:46 - HÀNH TRÌNH KẾT NỐI - SINH HOẠT CLB KỸ NĂNG DUY TÂN…
- 27/11/2020 13:23 - THẦY TÔI Giải nhì Cuộc thi Sáng tác 2020-2021
- 25/11/2020 04:53 - Trang bị kỹ năng thực hành xã hội
- 17/10/2020 09:37 - KẾ HOẠCH HỘI THI SÁNG TÁC CHÀO MỪNG NGÀY NGNV 20/1…
- 02/08/2019 14:50 - DANH SÁCH TRÚNG TUYỂN 10 NĂM HỌC 2019-2020
- 23/10/2018 07:55 - KẾ HOẠCH HĐNGLL NĂM HỌC 2018-2019