Trang chủH.động ngoài giờHoạt động ngoài giờ lên lớpTHẦY TÔI Giải nhì Cuộc thi Sáng tác 2020-2021

THẦY TÔI Giải nhì Cuộc thi Sáng tác 2020-2021

  • PDF.InEmail

unnamed

 

THẦY TÔI

Đã qua rồi những tháng mùa thu mà đầy màu nắng. Có lẽ, đây là nét đặc thù của miền Trung quê tôi “hai mùa mưa nắng”. Khi cái nắng vàng hoe dần dần khép lại là lúc những cơn gió lạnh tràn về ào ạt, kéo theo những trận mưa lũ đổ dồn lên dải đất miền Trung. Bước chuyển dịch chóng vánh của thiên nhiên mang đến cho người dân quê tôi bao nỗi âu lo mùa lũ! Miền Trung nắng cháy da và rét cũng thấu xương…Lặng nhìn những chiếc lá nằm trải dày trên mặt đất đã bị luồng gió cuộn lại một vòng rồi cuốn đi mất hút, tự dưng thấy thương thương chiếc lá. Vậy là cũng hết phận đời xanh ngắn ngủi! Bỗng dưng tôi nhớ đến thầy. Phải rồi, phận đời ngắn ngủi! Mùa đông giá buốt năm ấy đã mang theo cả người thầy đáng kính của tôi về cõi vĩnh hằng…

Tôi còn nhớ mãi cái lạnh vào đông ngày ấy. Đó là dịp trường đang phát động thi đua chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11. Khi đó tôi là cô bé học sinh cấp 2, chưa được khoác lên mình chiếc áo dài màu trắng tinh khôi như bây giờ. Ngày ấy, chiếc khăn quàng màu đỏ còn đọng trên vai. Phải nói rằng, trong các môn học, tôi đặc biệt chú tâm nhất là môn Ngữ Văn. Bởi học văn, đọc văn, tôi vỡ lẽ ra được nhiều điều hay về cuộc sống. Hơn nữa, ba mẹ tôi là giáo viên dạy văn nên tôi được thấm đẫm từng trang văn của ba và mẹ. Đã có một thời, tôi mơ ước sẽ trở thành nhà văn và ngốn ngấu viết một “tác phẩm” chưa kịp đặt tên gồm 8 chương. Giờ đọc lại, cứ cười tủm ta tủm tỉm một mình… Đấy là những lí do vì sao mỗi năm học mới, tôi luôn chờ đợi giáo viên giảng dạy bộ môn này. Và năm nay, thầy Trung đảm nhận dạy bộ môn Văn ở lớp tôi. Nói thật, lúc nghe tin thầy sẽ dạy lớp mình, tôi có hơi “hụt hẫng”. Bởi các anh chị khóa trên thường truyền tai nhau rằng: “Thầy Trung không bao giờ giảng bài chỉ toàn bảo chép thôi.” , rồi thì “Thầy dạy không hấp dẫn lắm…”. “Thầy dạy kiểu truyền thống”. “Thỉnh thoảng thầy còn…”…bla…bla…Mang theo tâm thế ấy đón thầy, tôi không còn cảm giác háo hức, chờ đợi.

Vậy rồi thầy cũng xuất hiện vào đúng ngày đầu tuần, sau tiết chào cờ. Trước mắt tôi là hình ảnh người thầy với dáng thấp đậm. Mái tóc thầy đen dày điểm ít hoa râm cùng làn da khỏe khoắn của tuổi trung niên và ánh nhìn ấm áp mà xa xăm. Tôi thường nghe ông bà ta mình nói “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nhìn vào đôi mắt ta sẽ thấy được chính nội tâm của họ”. Với tôi, không hiểu sao ngày ấy, tôi cứ thấy đôi mắt ấy vừa ấm áp vừa phảng phất nỗi buồn không gọi được thành lời. Bài học đầu tiên không phải là bài học trang sách mà là thầy kiểm tra từng quyển sách, quyển vở, dặn dò những cách học văn. Thú thật, thời gian đầu, tôi không cảm thấy hứng thú, mong chờ khi tiết văn đến mà thay vào đó là sự đợi chờ, đếm từng giây, từng phút mong hết giờ. Cho đến một ngày, thầy không còn dáng vẻ ủ ê, xuề xòa, khi đến lớp mà là nụ cười rạng rỡ. Bài học “Trong lòng mẹ” …..tuyệt vời biết bao nhiêu. Những câu nói, lời giảng của thầy khiến tôi không thể nào quên. Thầy giảng về tình mẫu tử. Văng vẳng đâu đây lời thầy “Các em hãy biết trân trọng những gì mình đang có, hãy biết yêu mẹ bởi người đã mang nặng đẻ đau, đứt từng khúc ruột mới có em trên đời”…Nghe lời thầy giảng, nhớ đến hình ảnh mẹ tôi quặn đau khi chuyển dạ sinh em gái, tôi càng thấm thía tình mẫu tử thiêng liêng và sự hi sinh vô bờ của mẹ. Cũng từ đó, trở lại trong tôi niềm háo hức, chờ đợi tiết Văn của thầy. Thì ra, mỗi người có cách dạy khác nhau, cách truyền thống của thầy cũng có cái hay của truyền thống chứ không phải tệ như các anh chị ấy đã nghĩ. Có lần thầy bảo: “Trang văn là trang đời mà đời thì ngắn ngủi…”. Chao ơi! Lẽ nào câu ấy vận vào thầy?...

Tôi không nhớ rõ hôm ấy là thứ mấy. Chỉ biết thầy dạy xong tiết hôm đó và dặn ngay buổi sau chuẩn bị tiết tiếp theo. Nhưng chiều hôm sau, thầy không đến lớp. Lạ gì học sinh, nghe nghỉ là vui, nhảy cẫng lên sung sướng. Chúng tôi chưa kịp đóng cửa để “tự quản” thì cô giáo chủ nhiệm vào lớp báo tin: “Thầy Trung bị tai nạn và mất tối qua rồi”. Nói đến đây, cô rơm rớm khóc, lớp học ngỡ ngàng, còn tôi, cảm giác hụt hẫng, trống rỗng, đứng trơ không tin nổi lời cô giáo. Mấy đứa lắp bắp “Ui, mới hôm qua, mới hôm qua mà. Thầy còn dặn soạn cho xong bài để mai thầy dạy…Chi hay rứa?”. Lặng im, có đứa sụt sùi. Thương thầy, giờ tôi và các bạn thấm thía thương thầy và tôi chợt nhớ ánh mắt buồn, nhớ câu nói “đời thì ngắn ngủi”…Lạ thật! Tôi không khóc dù lòng nghe buốt đau thật sự. Phận đời bạc bẽo thế sao? Sao không cho thầy tôi đi trọn kiếp người? Tháng 11 lại về trong không khí tưng bừng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, sao thầy lại chọn ra đi? Tôi quay cuồng trong một mớ câu hỏi hỗn độn và cứ cảm giác mình nghe nhầm, hay nói đúng ra là hi vọng nghe nhầm…Biết đâu, biết đâu đấy, phép nhiệm màu sẽ đưa thầy trở lại để hoàn thành sứ mệnh trồng người…Thầy ơi!...

Hôm ấy, lớp tôi đến viếng thầy. Trời mùa đông đổ cơn mưa tầm tã. Dường như trời cũng đang thương khóc cho người thầy bất hạnh. Ngước nhìn lên, di ảnh đó, khói hương trầm nghi ngút tỏa. Nụ cười thầy tỏa rạng. Không lẽ, thầy an nhiên một đời, không luyến tiếc bụi trần ai? Vợ thầy – cô giáo dạy tiểu học, nước mắt lăn dài, nghẹn ngào “Thầy ra đi đột ngột quá, đến giờ cô vẫn không dám tin ... Mới sáng thầy nói về quê có việc, chiều tối thì bị tai nạn trên đường về…”. Tôi cảm nhận được sự đau thương, mất mát khi âm dương cách biệt. Chỉ biết cúi đầu, lặng thinh bên thầy, bên cô để rồi từ biệt. Cuộc sống và mùa đông vẫn diễn ra bình thường như không có chuyện gì xảy ra, chỉ biết từ trong mái ấm gia đình thầy, từ nay cô lẻ bóng. Nghĩ mà thương cho cả thầy cô!

Chừng hơn một tuần sau là ngày 20 tháng 11. Lớp chúng tôi lại đến thăm thầy. Không phải bó hoa, món quà ngày lễ mà thay vào đó là hộp bánh dâng hương cùng bông huệ trắng ngần. Lại thấy xót xa. Lần nữa được gặp cô, trên khuôn mặt hiền từ còn toát lên sự mỏi mệt, đôi mắt thăm thẳm buồn. Tôi không muốn nhìn cô ở hoàn cảnh này chút nào. Bởi mở đầu câu chuyện sẽ vẫn là thầy và thế nào cũng định sẵn một cái kết buồn. Trong cuộc trò chuyện với cô, tôi nhận ra điều gì cũng có lý do của nó. Thầy tôi cũng từng là một giáo viên giỏi, có đóng góp nhiều cho giáo dục tỉnh nhà. Thầy và cô có một người con trai nhưng anh phải đi trại cải tạo vì phạm pháp. Điều đó khiến thầy luôn ray rứt, ân hận. Thầy tự trách mình đã dạy biết bao thế hệ, đưa biết bao người học trò đi đến bến bờ thành công. Ấy vậy mà không dạy được chính con mình. Thế nên, đôi lúc thầy dùng men rượu để mua cơn say, trốn tránh hiện thực… Tôi kể với cô: “Hôm ấy em thấy thầy vui lắm cô ạ.” Đôi mắt cô ngân ngấn nước. Cô bảo: “Tối đó thằng Tí gọi điện thoại về bảo cô thầy chú ý giữ sức khỏe, nó sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm được về.” . Dõi theo ánh nhìn xa xăm của cô khiến tôi càng xót xa. Không biết ở nơi xa ấy, thầy có về bên cô, ấp ủ cho vơi tan giá buốt mùa đông? Ở cái tuổi trung niên, chuẩn bị được nghỉ ngơi, hưởng phúc an nhàn từ con cháu, sao lúc này cô vẫn chưa được bình yên? Nghĩ mà thương! Con người ta không ai tránh khỏi quy luật “Sinh, lão, bệnh, tử”. Vậy nên, hãy sống hết mình khi bạn còn có thể!...

Trời hôm nay lại mưa. Những cơn mưa tầm tã vì đang ảnh hưởng của mùa bão lũ miền Trung. Những cơn mưa cứ nhớ nhớ quên quên đưa tôi về miền kí ức. Thời gian có thể nhuốm bụi rêu phong và phủ nhòa tất cả, riêng hình ảnh thầy tôi vẫn vẹn nguyên, trong xanh, thăm thẳm. Đã hơn ba năm trôi qua, chuyện của thầy trở thành kí ức – một kí ức buồn thương. Mùa 20 tháng 11 lại về, nhớ thầy vô kể. Nghe lòng rưng rưng…Cảm ơn thầy vì tất cả! Mong rằng, phía bên kia quãng trời, thầy em được bình an nơi cõi lạc…

 

                                                PHẠM HOÀNG PHƯƠNG

                                                LỚP 11/1

                                      Trường THPT DUY TÂN, TAM KỲ, QUẢNG NAM

                                                                           

Banner liên kết

solienlacdientu
tracuudiemthi
ooffice so
truonghocketnoi
thongbaonhatruong
kehoachnhatruong

Gallery ảnh

Thống kê

Các thành viên : 10
Nội dung : 448
Liên kết web : 17
Số lần xem bài viết : 405375
Hiện có 7 khách Trực tuyến