Trang chủTin tứcBản tin trườngTỔNG KẾT CUỘC THI SÁNG TÁC CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11 LẦN THỨ 6

TỔNG KẾT CUỘC THI SÁNG TÁC CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11 LẦN THỨ 6

  • PDF.InEmail

CUOC THI VIET 21

(ảnh minh họa)

Khi tháng 11 gõ cửa đất trời, tháng của những cơn mưa không ngớt đổ xuống dải đất miền Trung thì cũng là lúc các cô cậu học trò yêu văn chương của trường THPT Duy Tân gói ghém tâm tình của mình qua những trang văn, trang thơ để gửi đến cuộc thi sáng tác TUỔI HỌC TRÒ. Đây là cuộc thi được tổ chức hằng năm vào dịp 20/11 vừa để các em có dịp bày tỏ tình cảm của mình dành cho thầy cô, mái trường, bạn bè,... vừa là sân chơi ươm mầm cho những tài năng văn chương nảy nở, kích thích phong trào đọc sách, viết văn, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học môn Ngữ văn của nhà trường.
Cuộc thi năm nay thu hút nhiều đối tượng dự thi, đến từ ba khối lớp nhưng đông đảo nhất vẫn là học sinh khối 12- những cánh chim đầu đàn sắp rời xa mái ấm Duy Tân để bước vào cuộc đời rộng lớn (Trong đó lớp 12/1 có 27 tác phẩm dự thi). Sau một tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được gần 80 tác phẩm dự thi với nhiều thể loại, đề tài. So với năm ngoái, cuộc thi sáng tác lần này chứng kiến sự lên ngôi của thể loại tản văn- một thể loại dễ viết nhưng để viết hay, lưu lại dấu ấn trong lòng độc giả không phải là dễ dàng. Chọn thể loại này, các em đã gửi gắm những tình cảm, nghĩ suy về thầy cô, bè bạn, gia đình,... và cả những băn khoăn, trăn trở về việc lựa chọn con đường tương lai, những thao thức về bản thân,...
Trong số những tản văn hay về đề tài thầy cô, mái trường, bè bạn, tình yêu, gia đình ... chúng ta có thể kể ra những tác phẩm như: Mãi nhớ của Võ Thị Tuyết Nhi lớp 12/1, Ngày nhà giáo của Nguyễn Văn Nguyễn- lớp 12/1, Gửi năm tháng thanh xuân của Phạm Thị Văn- lớp 12/1, Nguyễn Thị Trà My lớp 12/3, Cô giáo tôi của Nguyễn Thị Kim Ly (12/6), Trần Gia Bảo (12/2), Tình yêu tuổi mười bảy của Trương Công Bằng (12/1), Tri ân thầy cô của Nguyễn Thanh Nam (11/4), Tình yêu tuổi học trò của Nguyễn Thị Như Quỳnh (11/4), Viết cho ngày của mẹ của Phạm Hoàng Phương (12/1),...
Viết về thầy cô, em Nguyễn Thị Kim Ly- giải ba của cuộc thi trong tản văn Cô giáo tôi tâm sự: "Hành trình cuộc đời chưa bao giờ là một hành trình êm ả. Cuộc sống sẽ cho ta nếm những đắng cay ngọt bùi, sẽ đưa ta qua những khó khăn thử thách để rồi bỡ ngỡ nhận ra rằng cuộc đời chưa bao giờ là một câu chuyện cổ tích như ta mong ngóng hằng đêm trong giấc mộng. Những chúng ta phải luôn cố gắng hết mình vì những người đã tin tưởng yêu thương, dạy dỗ ta nên người...Chỉ còn chưa đầy sáu tháng học bên nhau, tôi cảm giác thời gian đang vội vàng trôi chảy, thèm giữ mãi những kỉ niệm tươi đẹp về thanh xuân bên ngôi trường này, bên thầy cô, bên bạn bè thân yêu,...
"Cha mẹ cho con một hình hài,
Thầy cô cho em bao kiến thức"
Đó là điều cao cả thiêng liêng mà tôi luôn ghi nhớ!"
Bên cạnh những tác phẩm đoạt giải, BTC cũng rất xúc động trước những tình cảm rất đỗi mộc mạc, chân thành gửi đến thầy cô của em Nguyễn Văn Nguyên. Đó chính là bông hoa, dù không lộng lẫy kiêu sa nhưng hương thơm của nó vẫn vấn vương lòng người: "Hôm nay, nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20.11, em muốn gửi những lời tri ân chân thành và sâu sắc nhất đến thầy cô- những người lái đò cần mẫn đã đưa bao nhiêu thế hệ học sinh đến với bến bờ tri thức. Khi viết những dòng tri ân này, em không mong nó được đọc trước toàn trường bởi vì em biết mình viết văn không được tốt cho lắm, nhưng em vẫn viết. Viết để ghi nhớ công ơn to lớn của thầy cô – những người cha, người mẹ thứ 2 đã hết lòng dạy dỗ và rèn luyện chúng em thành người. Thầy cô không chỉ là những người dẫn đường đưa lối mà họ còn là người giữ lửa và truyền lửa cho chúng ta: ngọn lửa ấm áp tình thương; ngọn lửa nỗ lực và hi vọng...". Thế mới biết, "Tình cảm là cái gốc của văn chương cổ kim" và chỉ những gì từ trái tim mới đến được trái tim.
Giải nhì của cuộc thi thuộc về tản văn "Chúng ta sẽ không còn chúng ta nữa, chúng ta vẫn là chúng ta" của em Nguyễn Thị Bích Ly đến từ lớp 12/1. Đó là những suy tư, chiêm nghiệm về quá trình trưởng thành của mình. Từ một câu nói trên Weibo của thần tượng, em đã "bước chậm lại giữa thế gian vội vã" để viết ra những câu văn đầy triết lí- điều hiếm thấy ở một cô gái 17 tuổi:
"- Lúc bé, tưởng khóc là buồn, bây giờ phát hiện ra buồn nhất là khi không thể khóc được, cứ trống rỗng, tỉnh táo và vô hồn.
- Lúc bé, tưởng cười là vui, bây giờ nghĩ lại, có những giọt nước mắt còn vui hơn cả một trận cười.
- Lúc bé, tưởng "ngày mai không biết ra sao nữa, dù có ra sao cũng chẳng sao". Giờ mới biết thời gian quan trọng đến dường nào.
- Lúc bé tưởng cuộc sống là hôm nay, giờ lớn mới thấy cuộc sống còn có ngày mai và cả quá khứ.
- Lúc bé tưởng tượng rất nhiều, và giờ đây khi lớn lên mới nhận ra chuyện cổ tích khó hiện hữu trong đời thường,..."
Vẫn những băn khoăn trăn trở ấy, nhưng tản văn "Xin chào, cảm ơn, xin lỗi và tạm biệt" của Ung Thị Hạnh Dung- Hs lớp 12/9 lại có một kết cấu rất lạ. Tản văn được viết dưới hình thức một bức thư của tôi hiện tại 17 tuổi gửi cho nhân vật "cậu"- Tôi của năm 25 tuổi để làm một đối thoại với chính mình, để hiểu mình và động viên mình trong năm học cuối cấp- năm học đóng vai trò là chiếc bản lề khép mở hai thế giới: hồn nhiên, vô tư và hoang mang, háo hức:
" Ngày hôm nay của cậu thế nào? Chắc cậu đang đi làm, cuộc sống của cậu chắc là mệt mỏi lắm, ngày hôm nay của tôi... cũng vậy. Tôi đang sống trong một vòng lặp tuần hoàn vô hạn trong những ngày cuối cấp. Tôi đang lo sợ, sợ quyết định của tôi sẽ là sai lầm, sẽ ảnh hưởng to lớn đến tương lai của "chúng ta". Cũng rất sợ mình sẽ khiến cho cuộc đời của cậu không như cậu mong muốn. Đầu óc tôi bây giờ như muốn nổ tung vì áp lực học tập. Nhưng nếu không làm vậy, cuộc sống của "chúng ta" sau này sẽ không tốt. Tôi có đọc được 1 cuốn sách có tựa đề "999 lá thư gửi cho chính mình". Cậu còn nhớ bức thư số 1 chứ, chính lá thư đó đã cho tôi một chút động lực. Tôi sẽ đọc lại cho cậu: "Bắt đầu từ hôm nay, mỗi ngày hãy luôn nở nụ cười trên môi, trên đời này ngoài sinh tử ra mọi chuyện đều là chuyện nhỏ. Cho dù gặp phải chuyện phiền lòng cũng đừng tự làm khó mình, bất luận hôm nay xảy ra bao nhiêu chuyện đen đủi, đều không nên cảm thấy bi thương. Hôm nay là ngày bạn trẻ nhất trong những ngày tháng sau này, vì còn có ngày mai, hôm nay mãi chỉ là bước khởi đầu của con đường tương lai." Chính vì vậy, mong cậu hôm nay, ngày mai và cả mai sau này, hãy nở nụ cười thật tươi, và thật hạnh phúc nhé".
Viết về tình cảm gia đình, em Trần Thị Mỹ Diệu lớp 10/1 với tản văn "Ngoại yêu của con" khiến người đọc se xót cõi lòng bởi nó được viết ra từ một trái tim hối lỗi chân thành của người cháu. Vì ham chơi, vô tư vô tâm, người cháu chạy theo những hào nhoáng xa hoa phố thị: "Giờ đây tôi đã sống ở thành thị, nhà xe san sát, ánh điện cửa gương, những món ăn ngon, những bộ váy đẹp dường như đã làm vơi trong tôi một chút nào đó về những năm tháng tuyệt đẹp ở quê. ...Tôi không còn nhớ đến ngoại trong những bữa cơm ngon nhất, những câu chuyện vui nhất của cuộc đời tôi và những cuộc gọi hỏi thăm ngoại dần thưa vắng". Sau tất cả, khi người cháu chợt nhận ra: "trong những lúc khó khăn nhất, bế tắc nhất thì ngoại vẫn luôn là người xuất hiện đầu tiên lau đi giọt nước mắt ấy" cũng là lúc bà không còn nữa: "những ngày tháng phố thị đèn màu gác lại, tôi chạy về bên ngoại. Nhưng giờ đây không còn hình ảnh người bà còng lưng đứng đợi tôi chạy về khóc nhè sau mỗi lần vấp ngã mà thay vào đó là một sự trống vắng. Chỉ còn lại căn nhà tranh heo hút cùng với hàng tre xanh biếc vẫn mãi nơi đó ở cạnh ngoại trong những ngày tháng cuối đời. Căn nhà bây giờ trống vắng vì thiếu đi hình ảnh người bà còng lưng quét sân, thiếu vắng đi những tiếng hỏi thăm, la mắng mỗi khi tôi mắc lỗi". Đọc trang văn nhẹ nhàng sâu lắng ấy, ta chợt giật mình thấy mình đâu đó trong sự vô tâm, trong sự hối hận muộn màng. Nó làm ta nhớ tới cái kết đầy day dứt của "Đò Lèn" cùng lời nhắn nhủ thiết tha: Đừng để yêu thương trở nên muộn màng!
Tôi đi lính lâu không về quê ngoại
Dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.
Viết về những năm tháng dưới mái trường THPT Duy Tân, tản văn "Gửi năm tháng thanh xuân" của Phạm Thị Văn là bức tranh chân thực về những cảm xúc của những cô cậu học trò muốn nhanh chóng trở thành sinh viên, chinh phục những chân trời nhưng lại buồn bã, nuối tiếc những tháng năm hồn nhiên đang dần trôi qua kẽ tay, không sao níu giữ được: "Vào thời khắc này, nếu có thể ước tôi chỉ xin thời gian có thể trôi chầm chậm để tôi còn cảm nhận được những dư vị cuối cùng của quãng đời học sinh. Những ngày tháng cùng đợi nhau đi học, những khoảnh khắc đêm đêm gọi video giải bài, những hôm trốn học thêm để đi ăn vặt...Cái khoảnh khắc tiếng chuông vang lên, khi chúng ta đặt chiếc bút xuống và bước ra khỏi phòng thi đó cũng là giây phút chúng ta khép lại 12 năm đèn sách,... Chúng ta sẽ nuối tiếc vì khoảng thời gian đó ta đã không sống hết mình, cháy hết mình cùng tập thể, tiếc vì ta không biết chắt chiu từng giây từng phút bên cạnh nhau để rồi lúc này đây nó chỉ còn lại vỏn vẹn hai chữ kỉ niệm. Buồn là bởi giờ đây, không thể một lần nữa được mặc lại chiếc áo dài trắng, được sống lại những năm tháng thanh xuân vội vã ấy. Mỗi người trong chúng ta giờ đây đang quay cuồng trong một mớ hỗn độn từ việc chọn trường, từ áp lực của gia đình, người thân và cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp Đại học. Sẽ chẳng còn những câu hỏi thân thuộc hằng ngày như "Ăn sáng chưa", "Học bài chưa" hay là những cái nhìn trộm trong giờ kiểm tra. Sẽ không còn những giờ lên lớp làm bài tập căng thẳng. Và mãi mãi không còn hình ảnh cả lớp nhao nhao khi trống ra chơi vang lên để đua nhau chạy xuống căn tin ăn sáng. Khoảnh khắc cuối cùng chúng ta bên nhau, khoảnh khắc chúng ta cùng nhìn ngắm để khắc ghi sâu trong tim hình ảnh bàn ghế, cái bảng thân quen, những vị trí ngồi thân thuộc, những khuôn mặt đã cùng gắn bó bên nhau suốt ba năm tươi đẹp nhất thanh xuân. Một giọt nước mắt chợt trào ra".
Bên cạnh đó, cuộc thi lần này còn có không ít những tản văn thể hiện những suy tư sâu sắc về tình bạn, tình yêu, về hạnh phúc, lẽ sống,... Điều đó cho thấy các em đang dần trưởng thành, đang định hình thế giới quan, nhân sinh quan qua việc không ngừng khám phá, khẳng định mình trong một thế giới bất định và thay đổi chóng mặt như hiện nay. Có thể thấy rõ điều đó qua tản văn Hạnh phúc trong bạn là gì? của Trương Công Dân (11/3): "Tôi nhận ra rằng hạnh phúc không phải tìm kiếm ở đâu xa. Hạnh phúc là biết hài lòng với chính mình ở hiện tại, là hạnh phúc từ nội tâm, không phải do ai đó ban phát cho mình. Hạnh phúc khi tôi là chính tôi, sống thật với cảm xúc của mình. Mỗi người có một câu trả lời về hạnh phúc và câu trả lời ấy ở từng thời điểm cũng khác nhau... Denis Waittley đã từng nói: '' Hạnh phúc là thứ không thể đếm được, sỡ hữu được, kiếm được hay mặc vào được. Nó là trải nghiệm tinh thần của mỗi phút giây ta sống với tình yêu, vinh dự và lòng biết ơn.'' Vậy hạnh phúc trong bạn là gì? Dù câu trả lời của bạn là gì tôi vẫn mong bạn hạnh phúc, nhưng đừng hạnh phúc trên nỗi đau của người khác. Nếu bạn chưa tìm được câu trả lời cho mình thì đừng vội buồn, thời gian và những trải nghiệm sẽ thay bạn trả lời. Gửi những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi đến bạn, người đã dành thời gian đọc tác phẩm này. Chúc bạn một đời bình an!"
So với tản văn, truyện ngắn có số lượng tác phẩm dự thi khiêm tốn nhưng đa số đều có chất lượng và đạt giải cao như: Hè của Nguyễn Hoàng Linh (12/1), Tình bạn của Trần Thị Mỹ Diệu (10/1), Hồi ức tuổi trẻ của Trần Thị Thúy Hằng (11/3), Có một thời như thế của Nguyễn Huỳnh Giang (12/1)... Các truyện ngắn lần này đều tập trung viết về tình bạn, tình yêu trong sáng tuổi học trò với thật nhiều yêu thương, nhớ nhung và tiếc nuối: "Tôi giận mình sao lúc đó lại không thổ lộ tình cảm với cô ấy chứ. Giá như lúc ấy tôi nói ra thì mọi chuyện đã khác đi rồi .....Đến tận bây giờ, khi nhắc đến cô ấy tim tôi vẫn chậm một nhịp..." (Trích Hồi ức tuổi trẻ của Trần Thị Thúy Hằng – tác phẩm đoạt giải ba). Nổi bật nhất trong sáng tác lần này là truyện ngắn Hè của em Nguyễn Hoàng Linh- một câu chuyện thật đẹp, thật buồn của hai người bạn: một người lì lợm, cô đơn nhưng mê hội họa và một người tốt bụng, nhạy cảm nhưng mang căn bệnh hiểm nghèo. Tình cảm ấy nảy nở và kết thúc trong một mùa hè khi Ân hay tin Cường mãi mãi ra đi về thế giới bên kia. Cậu cầm bức thư mà đôi tay run rẩy: "Thế giới xung quanh bỗng trở nên im bặt. Con tim Ân nhói lên từng cơn, thằng nhóc mạnh mẽ đó lần đầu rơi nước mắt.
Những ngày tháng của mùa hè năm ấy đã trôi qua nhẹ nhàng đến nỗi tưởng chừng như thời gian là một thứ chưa từng tồn tại. Đoạn kí ức ngắn ngủi mà cả hai từng trải qua cùng tình bạn hồn nhiên ấy bằng cách nào đó đã len lỏi thắp lên ánh sáng của niềm vui trong cuộc đời hai người bạn trẻ. Cường và Ân, hai mảnh vỡ lẻ loi gặp nhau và chữa lành cho nhau...".
So với các thể loại khác, thơ là thể loại ra đời trước nhất. Nó là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người khi va đập với hiện thực cuộc sống. Nó đã ra đời giữa những buồn vui của loài người cho đến ngày tận thế. Và từ lâu, thơ vẫn được xem là "bà chúa của nghệ thuật" bởi những đòi hỏi khắt khe về tính nhạc, tính hàm súc, tính chính xác,... Thật vui là trong cuộc thi năm nay, BTC nhận được rất nhiều bài thơ viết về thầy cô, mái trường, quê hương, lũ lụt,... Dẫu cho có đôi chỗ còn thiên về kể lể, lời thơ chưa được trau chuốt, ý tình chưa sâu,... nhưng đã tất cả đều cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các em trong việc chinh phục thể loại "đỏng đảnh, kiêu kì" này. Có thể kể đến các bài thơ như: Người lái đò của Thanh Phượng (11/3), Trái tim hồng của Nguyễn Huỳnh Giang (12/1), Đò ơi của Lê Nguyễn Anh Thư (12/1), Tri ân của Dương Thị Thúy Hằng (10/3), Trở lại trường xưa của Phan Thị Bích Diệp (12/2), Ơn cô nghĩa thầy của Nguyễn Thị Hoàng Oanh (10/5), Lại nữa bão lụt của Nguyễn Thị Cẩm Chinh (12/1),... Trong số các bài thơ ấy, thành công nhất là những lời thơ thật thấm thía ngậm ngùi về thầy cô- người lái đò tận tụy:
Xôn xao câu hát, đò ơi!
Khách qua sông đó đầy vơi hỡi đò?
Xa xa bến nước mù khơi
Đưa người sang bến về nơi cuối đường.
Bao năm trên bến yêu thương
Bây giờ nhìn lại vấn vương nỗi lòng.
Bao năm lẳng lặng chờ mong
Một câu chung thủy tấm lòng người ơi.
Lái đò ai cũng một thời
Đưa người sang bến, đò ơi ! Một mình.
( Đò ơi- Lê Nguyễn Anh Thư )
Cuộc thi sáng tác TUỔI HỌC TRÒ lần thứ 6 của trường THPT Duy Tân đã khép lại nhưng BTC mong rằng cuộc thi sẽ giúp các em nuôi dưỡng ngọn lửa văn chương và lan tỏa ngọn lửa ấy đến nhiều học sinh trong và ngoài nhà trường. Dẫu "Cơm áo không đùa với khách thơ", dẫu mai sau có "những cỗ máy biết làm thơ", thì muôn đời, văn chương vẫn mãi là cầu nối quá khứ - hiện tại - tương lai, là tiếng gọi đàn để con người tìm được tiếng nói tri âm, mở rộng chiều kích tâm hồn cho Cái đẹp ngự trị. Mà Cái đẹp vẫn luôn là nỗi khát khao vĩnh hằng của loài người, luôn có một sứ mệnh thật cao cả: "Cái đẹp cứu rỗi thế giới" (Đôi –tôi- ép- xki) .
Hẹn gặp lại các em trong mùa bội thu năm sau với những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao hơn!
Kính chúc quý thầy cô giáo và các em học sinh một mùa nhà giáo Việt Nam 20-11 đong đầy hạnh phúc!

TM ban giám khảo
Phan Thị Thanh Tuyền

Banner liên kết

solienlacdientu
tracuudiemthi
ooffice so
truonghocketnoi
thongbaonhatruong
kehoachnhatruong

Gallery ảnh

Thống kê

Các thành viên : 10
Nội dung : 448
Liên kết web : 17
Số lần xem bài viết : 405614
Hiện có 13 khách Trực tuyến