TRANG THƠ NHÀ GIÁO
Viết bởi Ban Biên Tập Thứ tư, 04 Tháng 4 2018 05:32
ĐỐI DIỆN
(Nhà thơ Trương Vũ Thiên An – nhà giáo ưu tú Trương Văn Quang)
Khi căn bệnh đến như pháo đầu hung hãn
Đánh thốc vào phế phổi tâm can
Ta thiền lặng hoá thành bình phong mã
Mát lưng ta người vợ khẽ đưa cành
Khi những đứa con vì cha dịu dàng lau nỗi đau khai cuộc
Khi bạn bè vì ta thắp lửa bên trời
Khi những đứa học trò nghèo vì ta nhọc kiếm từng bông đu đủ
Ta buông cờ có đáng không hỡi mùa thu
LỜI BÌNH
Bất ngờ và cả tình cờ khi đọc Đối diện, lòng thấy thấm thía lời Tựa tập thơ Tạ của nhà giáo – nhà thơ Trương Vũ Thiên An. “Em đến quá đột ngột không thèm hỏi tôi có đồng ý, có phải lòng em không”. Hỏi đó mà hờn trách đó!
Tập thơ Tạ nói chung và bài thơ Đối diện nói riêng ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt:
Khi căn bệnh đến như pháo đầu hung hãn
Đánh thốc vào phế phổi tâm can
Cả đồng nghiệp, bạn bè gần xa thực sự sốc khi hay tin nhà thơ bạo bệnh (còn nhà thơ bảo rằng “tôi gọi tên em là K”). Nỗi niềm thương yêu đong đầy, nhiều người không ngăn nổi cảm xúc dâng trào. Đối diện với “căn bệnh” ví như “pháo đầu hung hãn” – thế cờ này là trận chiến ác liệt, đối mặt với tử thần. Vẫn biết sinh – lão – bệnh – tử là quy luật bất biến song “ông trời nhiều khi chơi ác”, dồn người ta vào tận cùng quay quắt cơn đau. Gía như, giá như…chậm thôi, khẽ thôi cho thi nhân biết “căn bệnh” đang đi từng bước một, để không phải chịu cảnh đón nhận bất ngờ, đường đột đến đau lòng. Trận pháo đầu hung hãn đã dứt khoát “đánh thốc vào” cả “phế phổi tâm can”, quyết liệt truy quét đến tận cùng. Dường như nó đã quyết tâm hạ gục nhà thơ cả về thể xác lẫn tinh thần. Phút giây ấy nhà thơ như chững lại:
Ta thiền lặng hoá thành bình phong mã
Trầm ngâm ta “thiền lặng” giữa nhân gian rồi bình tâm hoá thành “bình phong mã” – lại một thế cờ vững chãi, một “bảo bối” để đả phá “trận pháo đầu hung hãn”. Và phía sau:
Mát lưng ta người vợ khẽ đưa cành
Ta- bình phong mã- mạnh mẽ, kiên cường, không còn “gác chân lên cô đơn” vì bên ta có điểm tựa là người vợ rất mực tận tuỵ! Hơn bao giờ hết, Trương Vũ Thiên An cảm nhận và trân trọng cảm phục tấm lòng người vợ đang “khẽ đưa cành” làm “mát lưng ta”, làm dịu nhẹ nỗi đau khi đối diện thực tế phũ phàng.
Từ trong tổ ấm gia đình, nhà thơ biết rằng khi “căn bệnh” đến với mình, vợ và hai con đã “quyết liệt xua đuổi em ra khỏi nhà”:
Khi những đứa con vì cha dịu dàng lau nỗi đau khai cuộc
Đồng hành với nhà thơ trong cơn bạo bệnh, không chỉ có gia đình mà cả bạn bè dồng nhiệp, học sinh bao thế hệ. Thương lắm khi mà “con vì cha dịu dàng lau nỗi đau khai cuộc” – dấu bớt đi giọt nước mắt âu lo; khi mà “bạn bè vì ta thắp lửa bên trời” – gieo thêm niềm tin yêu và hi vọng; khi mà “những đứa học trò nghèo vì ta nhọc kiếm từng bông đu đủ”…Điệp khúc “vì ta” cứ đay vào lòng người. Tôi lặng đi xúc động trước tâm sự của nhà thơ – nhà giáo ưu tú ấy. Xưa nay, “học trò nghèo” – vì chúng mà thầy đã yêu thương dạy dỗ, cưu mang. “Từng bông đu đủ” hôm nay các em nhọc công tìm kiếm mang theo cả niềm tin, tình yêu vô bờ đến với thầy. Mộc mạc, chân chất, bông đu đủ trắng ngần như tấm lòng các em trọn vẹn dâng thầy với mong ước thầy ở lại với em, với đời. Và có lẽ trước tình yêu bao la đó, nhà thơ đã tự hỏi lòng mình, hỏi mùa thu, hỏi cả đất trời:
Ta buông cờ có đáng không hỡi mùa thu
Niềm trăn trở của thầy khi thấy mình còn vương nợ với đời. Thiết nghĩ, với thầy, đó không phải là món nợ công danh lợi lộc mà là với thế sự, với những ai vì thầy mà “đã khóc đã cười”. Liệu “có đáng không”? Thưa rằng, không đáng chút nào, không công bằng chút nào! Thầy đã là một “mùa xuân nho nhỏ” rất Huế dâng tặng cho đời và còn mãi là mùa xuân dậy lên con sóng vô hạn vô hồi trong lòng những người thương yêu, trân quý về thầy.
Tạ - quả thực chưa phải là tạ từ mà là “tạ ơn, tạ lỗi” đối với tất cả mọi người, những ai vì tôi “mà khóc mà cười”. Cuộc sống chật hẹp mà lòng người đại dương. Ngay trong lời tựa tập thơ Tạ, nhà thơ chia sẻ: nhờ “em” mà tôi “thấy đời đông đảo biết bao nhiêu, ấm dậm bao nhiêu”, “nhờ em mà tôi nhận ra rõ ràng hơn bao giờ trách nhiệm của mình đối với cuộc đời này…”.
Lời thơ mộc mạc, chân thành viết nên từ gan ruột, tựa hồ như không hề có sự trau chuốt bóng bẩy mượt mà, đủ cho người đọc nhận ra rằng: Đối diện là đối mặt, đối lòng để rồi nghị lực vượt qua, để hướng tới “niềm hi vọng, niềm khát vọng tiếp tục sống…” của nhà giáo – nhà thơ Trương Vũ Thiên An. Xin níu giữ nhà thơ – nhà giáo ở lại với đời…
Hoàng Thuỷ
- 20/12/2018 04:52 - HỘI THI SÁNG TÁC TRUYỆN NGẮN: BẠN XƯA Tác giả: Trầ…
- 26/11/2018 08:54 - THẦY TÔI
- 28/04/2018 07:26 - TRANG THƠ NHÀ GIÁO
- 28/04/2018 07:23 - TRANG THƠ NHÀ GIÁO
- 10/04/2018 04:21 - TRANG THƠ NHÀ GIÁO
- 19/01/2018 06:58 - TRANG THƠ NHÀ GIÁO
- 02/12/2017 08:09 - TRANG THƠ NHÀ GIÁO
- 21/11/2017 07:17 - TỔNG KẾT CUỘC THI SÁNG TÁC TRUYỆN NGẮN TUỔI HỌC TR…
- 18/11/2017 08:19 - BÀI DỰ THI SỐ 22
- 15/11/2017 07:58 - BÀI DỰ THI SỐ 21