THẦY TÔI

  • PDF.InEmail

THẦY TÔI

                                                          Kính tặng thầy giáo chủ nhiệm Lê Ngọc Minh

                                                                           (Báo TGTT tháng 11/2018)

Giữa bộn bề ngổn ngang cuộc sống, lòng vẫn không thôi thao thức nhớ về người thầy chủ nhiệm năm đó - thầy Lê Ngọc Minh. Chất ướt chân ráo từ miền quê lên thị thành để học trường Chuyên. Ngày ấy, giữa cái lớp chuyên Văn – Anh, hình như chỉ có tôi với bạn Nhung (mà chúng tôi quen gọi là Nhung Đô rê mon) là thuộc con nhà nông dân, còn lại bạn bè đều là con cán bộ công chức. Hèn gì, quyển học bạ của tôi năm nào cũng được thầy phê, chăm ngoan, có tinh thần vượt khó.

Nghĩ mà thương! Hồi đó, thầy không còn cái vẻ trẻ trung, sôi nổi mà thay vào đó là sự nghiêm nghị của tuổi già và đôi lúc là ánh nhìn nghiêm khắc, lạnh lùng đáng ngại. Với chúng tôi, khi nào cũng nói “Mấy đứa bây lo mà học…Mấy đứa bây…”… Chẳng dám đùa với thầy một câu. Ngày 20 tháng 11 đến thăm thầy mà cũng cứ rón ra rón rén, đùn nhau đứa nào vô trước, rồi nói điều gì với thầy…Bài văn đầu tiên tôi viết, thầy cho 5 điểm rưỡi. Sốc nặng vì chưa khi nào có điểm kiểu này, quá tệ. Hỏi các anh chị lớp trước mới biết, được điểm khá của thầy là không dễ đâu. Nhớ hồi lớp 10, thầy ra đề văn Tìm hiểu đại từ ai trong ca dao Việt Nam”. Dịp ấy, mưa lụt cả tuần, mẹ gửi tôi lên trọ ở nhà bà dì, trên thị xã. Phía trước nhà dì là sân vận động. Tiếng loa phát thanh vang vang. Dì bảo thị xã đang tổ chức vận động cán bộ, bà con dân phố đóng góp ủng hộ bà con vùng lũ. Biết giờ này ba mẹ, anh chị còn vật vã với dòng nước lụt, nước mắt tôi ướt nhoè cả quyển vở bài tập. Không thể khóc mãi được. Mình phải học tốt thay vì ngồi khóc. Tôi tự nhủ. Những bài văn ra đời ngày mưa dường như cũng ướt át hơn. Vậy rồi tôi cắm cúi viết một mạch chừng bốn năm trang giấy. Lòng thấy nhẹ vơi. Bài làm văn ấy được thầy đánh giá ngắn gọn “Hiểu đúng dụng ý của đề. Bài làm văn phong phú và có nhiều chỗ phân tích đúng”. Tôi đã nhảy cẫng lên vì được điểm 8, vì niềm vui quá đỗi. Hai mươi lăm năm đã trôi qua, quyển vở bài tập ấy, lời phê ấy còn vẹn nguyên đến tận bây giờ...

Nhờ thầy, chúng tôi biết tự học ngay từ đầu, nhờ thầy, biết thầy cần tư duy sáng tạo nên tự biết phải sáng tạo, tư duy. Nói thật, chúng tôi tự học là chính, thầy giao bài học, tự nghiên cứu, thầy đi một lát đột ngột quay về chất vấn…Trả lời câu được câu mất, rồi thành thói quen, ứng phó linh hoạt dần. Nhớ nhất là những bài giảng của thầy về tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao), Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu), bài thơ Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm)… thấm vào gan ruột. Những tác phẩm nào thầy trân quý thì rõ ràng trong lời giảng lấp lánh chất lửa. Tôi không thuộc nhóm học sinh giỏi giang, năng động nhưng cũng đủ để thầy yêu thương, quan tâm theo cách của thầy. Ba năm gắn với thầy chủ nhiệm, đủ để nhớ thầy đã truyền tình yêu văn học dân gian trong tôi, đủ để yêu, để cảm thông những mảnh đời bất hạnh, đủ để tự hào vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người Việt Nam qua trang văn, trang thơ, đủ để biết quan tâm, chia sẻ. Cuộc sống đúng là không đếm bằng những lần ta thở, mà là bằng những lần ta cảm nhận được hơi thở của cuộc sống đa điệu này. Thầy từng giới thiệu cho chúng tôi bài thơ Em yêu, em cũng thế (nhà thơ Nga Lermôntôp)

     Có một lão ăn mày

                               Xoè tay dưới tượng thánh

   Để xin một vài xu,

 

                               Bọn trẻ con ranh mãnh

                              Đặt tay lão mảnh sành

                                     Cho mắt mù ứa lệ.

 

                            Em yêu, em cũng thế

                            Em đùa cợt tình anh

Cho tim mù ứa lệ.

Sau này, xa thầy, nhớ thầy, tôi đã bình bài thơ này và được đăng trên báo Thế giới trong ta – Cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Tâm lí – Giáo dục Việt Nam. Tôi gói ghém cẩn thận tờ báo biếu từ Đắc Lắc gửi về tặng thầy kèm bức thư của đứa học trò xa xứ, mãi nhớ về thầy. Ở xa, nhưng biết rằng thầy sẽ vui lắm.

Theo nghiệp văn rồi theo gót thầy làm nghề giáo. Ngày mới ra trường, năm 1999, xách va li lên vùng sâu vùng xa để dạy học theo sự phân công. Bấy giờ, đường vào trường còn đầy sỏi đá lô nhô. Nước mắt không ngừng trôi. Con đường đất đỏ, ngoằn ngoèo, đèo dốc đâu dám đi một mình. Bạn bè lên thăm ai cũng khóc vì thương. Căn phòng cấp 4 tạm bợ. Những ngày tháng đầu lê thê, mưa vùng núi dai dẳng, âm u, đêm tiếng chim khắc khoải, tiếng vượn hú…Bốn cô giáo chia làm hai phòng nằm co ro, ôm nhau khóc. Phụ huynh thương tình mấy cô giáo dưới xuôi mới lên nên góp tre, che tạm làm thêm phòng bếp, phòng tắm. Phía sau từng cơn gió lùa tới tấp. Đêm trăng sáng xứ núi nghe tê lạnh cả tâm hồn, chất máu lửa sinh viên dường như tàn phai theo ngày tháng. Rồi trường thiếu giáo viên. Cô giáo dạy Văn kiêm dạy Lịch Sử và thoảng đôi khi nhờ dạy thay cả Địa lí và Âm nhạc. Tự thấy không đúng nhưng chẳng lẽ bỏ học trò? Thấy các em hào hứng là dạy, biết gì bày đó. Nghĩ mà thương. Xóm núi nghèo nhưng cực kì giàu tình cảm. Biết cô giáo thích hoa tiểu muội nên sáng nào đi học, các em cũng ghé phòng cô tặng một bó hoa tươi còn đẫm mùi sương núi. Thành thói quen, sáng nào cũng ngóng qua ngóng lại. Lòng vẫn không thôi se se cảm giác thèm về với phố phường.

Dạo đó, sau đợt khai giảng, nghe tin có đoàn công tác của Sở Giáo dục lên thăm. Bất ngờ thầy cũng ở trong đoàn công tác, lúc đó thầy chuyển về làm chuyên viên của sở. Thầy ghé về thăm nơi ăn chốn ở của giáo viên đồng bằng lên công tác miền núi. Gặp thầy, nước mắt cứ oà ra tức tưởi, buột miệng nói với thầy “Em không cam lòng, em sẽ đi…”. Thầy xoa đầu, thầy hiểu, ngọn lửa đó cứ cháy đi em. Thầy hỏi, bây giờ nội trú các em cần gì. Không nghĩ ngợi nhiều, tôi buột miệng “Chúng em cần một cái ti vi, ở đây mù mờ về thông tin quá.” Ngày hôm sau, chiếc ti vi màu chuẩn y thời đó được gắn vào dãy nhà nội trú. Niềm vui tập thể được nhân lên. Thầm cảm ơn thầy.

Kết thúc năm học, tôi quyết định rời xa trường để đi lập nghiệp nơi xa, giữa những lời can ngăn, những giọt nước mắt của học sinh, đồng nghiệp... Về thăm thầy trước lúc đi, báo với thầy quyết định của mình. Thầy cười, động viên “Nhìn vào mắt em ngày ấy, thầy biết em sẽ không cam lòng mà. Thầy mong em chọn đúng tương lai và hạnh phúc cho mình”. Cảm ơn thầy, thì ra thầy đã hiểu. Xa thầy, vẫn không quên dịp 20/11 hay Tết điện thoại hỏi thăm. Vẫn câu nói ấy “Em khoẻ không, công việc tốt không, chồng con thế nào rồi?, mà sao lần nào cũng thấy thương thầy vô kể. Có lần, đêm nằm mơ thấy thầy, gầy gò đau ốm, lòng quay quắt nhớ. Tìm số điện thoại không ra, hỏi bạn bè chưa được. Cứ bồn chồn không yên. Ai ngờ sáng hôm sau, nhận một cuộc điện thoại bất ngờ “Thuỷ à, cháu không cần gửi thuốc cho cậu đâu, nhớ nghe…”. Chao ơi! Tiếng thầy, thân thương quá đỗi. “Thầy ơi, em là Thuỷ, là Thuỷ Quảng Nam đây thầy ạ (thầy hay gọi tôi như thế, chắc để nhớ cái cô học trò vì công việc và vì cả tình yêu mà sẵn sàng từ bỏ để ra đi!)”.A, Thuỷ hả em, ôi lâu quá, dạo này em khoẻ không? Các cháu thế nào?...Nãy thầy nhầm…”. Thì ra, thầy đang ốm thật! Thầy vẫn không cho tôi kịp hỏi thăm sức khoẻ của thầy. Lòng cứ rưng rưng!

Bao lần về quê, cứ cuốn theo công việc, rồi lần lữa chưa ghé thăm thầy. Ngẫm câu nói “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” mà thấy mình thật tệ. Tự nhủ lòng một ngày không xa, sẽ trở về để được thầy xoa đầu như cái hồi mới ra trường làm cô giáo vùng cao, để sẻ chia cùng thầy những thăng trầm cuộc sống, để cảm ơn thầy rằng: nhờ thầy mà đôi chân học trò giờ đây đủ vững, bàn tay học trò giờ đây đủ mạnh mẽ vươn lên và con tim học trò đủ biết yêu thương để tự tin với cuộc đời này. Viết những dòng này là khi nhớ thầy nhiều vô kể, thầy ơi!

 

                                                                             HOÀNG THUỶ

                                                          THPT DUY TÂN – TAM KỲ - QUẢNG NAM

 

 

Banner liên kết

solienlacdientu
tracuudiemthi
ooffice so
truonghocketnoi
thongbaonhatruong
kehoachnhatruong

Gallery ảnh

Thống kê

Các thành viên : 10
Nội dung : 448
Liên kết web : 17
Số lần xem bài viết : 407450
Hiện có 8 khách Trực tuyến