Trang chủTin tứcBài viếtTỔNG KẾT CUỘC THI SÁNG TÁC TRUYỆN NGẮN TUỔI HỌC TRÒ 2017-2018

TỔNG KẾT CUỘC THI SÁNG TÁC TRUYỆN NGẮN TUỔI HỌC TRÒ 2017-2018

  • PDF.InEmail

KHOẢNG LẶNG CUỘC ĐỜI

     Đôi điều cảm nhận qua hội thi sáng tác truyện ngắn tuổi học trò NH: 2017- 2018

Những đường nét loằng ngoằn in hình trên trang giấy, những chuỗi dài kí tự vô hồn mà người đời gọi là con chữ như vô tình đập vào mắt người xem, soi vào hồn người đọc khiến giọt nước mắt rơi, khiến trái tim nhảy loạn muốn phá toang lồng ngực bức phá ra bên ngoài mà la toáng lên:

 Chao ôi sự đời! Còn có biết bao là khoảng lặng.

Tôi ngậm bút ngồi nghe tiếng gọi của loài chim, nó thất thểu kêu vang: Ai là bố nó? Nó hỏi, dấu chấm hỏi mang theo suốt cả cuộc đời mà chẳng ai đưa ra một lời giải đáp.  Bố nó là ai? Ai là người đã cho ra đứa con lạc loài “vô thừa nhận”. Đau lắm chứ! Buồn lắm chứ! Nó ước ao được một lần có bàn tay của Bố dắt nó đi, xoa đầu nó mỗi khi nó tan trường. Bạn bè nó được đón, được đưa, còn nó thui thủi một mình. Nó buồn, nó tủi, nó mặc cảm tự ti với đời vì không có Bố. Lá thư còn hằn in trong vở, nó muốn gửi lâu rồi, nhưng biết gửi cho ai? Ai là Bố nó?  Chao ôi sự đời. (Thư gửi Bố - Trần Thị Thảo Nguyên, 12/5)

Rồi lẳng lặng có một người đàn ông loạng choạng bị bọn trẻ coi khinh, xem thường như một người mất trí chẳng biết đi đâu chỉ quanh quẩn ở cổng trường suốt tháng này qua tháng khác. Lão đói, lão rách, lão sầu đau, hai hàm răng trắng muốt luôn cười với học trò nhưng lại cũng hay khóc khi học trò đi vắng. Có ai biết đâu rằng, đó lại là người Bố tìm con. Tìm con trong mơ, tìm con trong niềm hoài vọng. Con gái của lão đã mất rồi, một tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng cuộc đời của một cô gái trẻ, tuổi mới độ trăng tròn. Đau quá lão thất thểu tìm con. (Người cha vô danh và món quà vô giá – Đỗ Thị Ánh Nga, 10/1)  

Một đứa trẻ tìm cha, một người cha tìm con. Hai tác phẩm, hai nghịch cảnh cuộc đời làm trái tim bạn đọc xa gần ít ra cũng một lần đau nhói. Có người cha vô tình trốn tránh một người con, lại có người cha đau khổ bại tình khi nghe tin con mất. Sự đời sao còn bao nỗi trái ngang.

Đài báo bão xa, người ra khơi tìm nơi ẩn nấp, người ở nhà mong ngóng chờ trông. Tiếng bác trưởng thôn vừa như thể trấn an, vừa như để bớt nỗi lo trong lòng để mọi người cùng nuôi niềm hi vọng. Nhưng sự đời sóng nước ngàn khơi được tạo bởi bể khổ trầm luân. Người miền biển sinh ra từ nước, trở về với nước. Biết đó là qui luật Thiên Địa giao hòa song con tim của bao người cứ mãi giật thốt lúc bão qua. Một đứa trẻ mất cha, một cảnh đời côi cút. Thương xót ngậm ngùi cho những người vợ lặng thầm hóa đá Vọng Phu. (Tia nắng – Dư Thị Kiều Quí, 11/5)

Tâm hồn tuổi thơ từ giả ra đi, thay vào đó là trái tim của một người đàn bà lỡ vận. Nó côi cút một mình không mẹ, không cha. Bà nó cũng chối từ nó, để lại trong nó nỗi đau. Thương bà, thương cha thương mẹ biết sống thế nào, hoặc gục ngã hoặc gượng đứng lên. Dòng sông xanh hằng ngày thay gương nó thường soi tóc, con nước mặn mà tình nghĩa cũng đành chuốc lấy nỗi đa mang. Giọt nước không xóa được những vết nhơ, không làm phai mờ bao nỗi lòng trắc ẩn. Nó có nợ gì mà người đời lấy đi của nó cái ngàn vàng để rồi bắt nó phải quyên sinh. Phận đời nghiệt ngã đã cướp một tâm hồn thơ ngây trong trắng, một giấc mơ đẹp để rồi:

  Dòng sông tĩnh lặng, ánh trăng vàng đã lên đến đỉnh ngọn tre, cũng đã khuya rồi mà...chưa bao giờ em  nhận ra quê hương mình đẹp như vậy. Liếc nhìn một lượt, bao nhiêu ký ức tuổi thơ hiện về trong em, em mỉm cười trong dòng nước mắt. Em đã trở về bên bến sông quê, về với gia đình, với ba má, với ngoại, mai đây thôi em sẽ được gặp mọi người rồi mà. Lặng người bước chân xuống sông em cảm thấy mát mẻ vô cùng, cái cảm giác không còn lo âu, không còn oán hận mà là một thứ cảm giác mãn nguyện... em mỉm cười bước tiếp, và như vụt tắt. Em đã nằm sâu trong lòng dòng sông quê hương như nằm trong vòng tay của bà ngoại vậy.

  Đêm nay trăng sáng quá! Có một vì sao lấp lánh trên bầu trời đêm, nó cứ nhấp nháy, cứ lung linh, như đang mỉm cười trước vạn vật.  Dưới đáy sông một đóa Lục Bình vẫn còn trôi giạt. Số phận cuộc đời nghiệt ngã tang thương. (Phận đời nghiệt ngã – Đỗ Ngọc Thanh Hoàng, 11/1)

....

Còn biết bao trang văn kể về những mối tình đầu tan vỡ, những giọt lệ đầu đời không dễ nguôi ngoai. Những khoảnh khắc nhớ nhung của một thời thơ dại. Yếu đuối, dại khờ, vụng dại, cả tin. Cả một chút vu vơ của tình yêu đơn phương tuổi học trò trong trắng, thư đi thư về còn kèm cả ổi cả me. Một ly cooktai, một tút segum vẫn đọng hoài trong nỗi nhớ. Những trang viết về học trò quả thật dễ thương.

Đọc mãi, sửa mãi từng lỗi chính tả, từng dấu câu mà thấy mình không chán. Đôi lúc mạo muội thay đổi nhan đề chưa hỏi qua tác giả mà lòng thanh thản vui mừng như vừa mới viết được trang văn. Nhịp cầu tri âm của văn chương không giới hạn gái – trai, không phân biệt giàu – nghèo, sang – hèn, lớn – nhỏ. Đọc là thích, cảm là mê.

Tôi muốn viết nhiều hơn, muốn kể nhiều hơn những gì các học trò thân thương của chúng tôi đã viết. Nhưng thiết nghĩ bút mực không thể thay thế tình người, tôi đành dành lại một khoảng lặng để tri âm.

Cảm ơn các em, cảm ơn các nghệ sĩ không chuyên, các nhà văn chưa một lần đưa tên lên mặt báo, nhưng đã để lại trong chúng tôi rất nhiều trăn trở suy tư. Văn các em viết ra là nỗi lòng của các em đó. Ai nói rằng học trò thời này vô cảm, hãy đọc những gì em viết để biết có vô cảm hay không? Không! Các em biết yêu thương những con người đồng khổ, biết căm ghét hận thù những kẻ uy quyền bạo lực ức hại thường dân. Nào đâu vô cảm như người lớn cứ diễn suy rồi ra đề bài “bệnh vô cảm” áp đặt cho trò phải viết những điều đâu đó bắt phải theo.

 Việc gán bút cân đo để phán cho cái gọi là nhất nhì thật là nhẫn tâm của người làm ban giám khảo. Thôi cũng đành. Xin quí độc giả, tác giả hiểu cho rằng giải thưởng chỉ tạm thời, lòng tri âm mới là vô hạn. Độc giả sẽ là người thẩm định và trao giải cho văn chương.

Lần nữa xin cảm ơn các em, cảm ơn tất cả chúng ta, những người đã làm cho tâm hồn sống dậy, cho giọt nước mắt tình đời biết gạn đục khơi trong.

Chúc cho hội thi năm sau được mùa hơn hội thi năm trước, chúc trang văn tuổi học trò mãi mãi là sân chơi của tình đời, của những người biết quí trọng con tim.

                                                                                           20/11/2017.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Banner liên kết

solienlacdientu
tracuudiemthi
ooffice so
truonghocketnoi
thongbaonhatruong
kehoachnhatruong

Gallery ảnh

Thống kê

Các thành viên : 10
Nội dung : 528
Liên kết web : 17
Số lần xem bài viết : 529726
Hiện có 46 khách Trực tuyến