Trang chủTin tứcTin từ InternetNGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN VIỆT NAM 9/01

NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN VIỆT NAM 9/01

  • PDF.InEmail

   Ngày 9/1/1950, đánh dấu một trang sử hào hùng và là biểu tượng cho phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, sinh viên ở Việt Nam nói chung, miền Nam nói riêng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V, diễn ra từ ngày 22 - 23/11/1993 ở Hà Nội, ngày 9/1 được chọn làm ngày Học sinh, sinh viên Việt Nam - ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.

       Giai đoạn 1925 - 1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời, như: Tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô Quyền, Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Tự hào đối với các thế hệ học sinh, sinh viên (HS,SV) là việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, thành lập và hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn và các chi bộ Đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản mà hầu hết đảng viên, đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên, như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng… 

       Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng. Cùng với sự phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi được ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các Đoàn thể cứu quốc hướng dẫn.

    Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc.

     
    1 1749231

        Sau cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra. Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam; số lượng HS,SV viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của HS,SV kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Với khẩu hiệu: “Tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” đã tiếp thêm sinh lực mới cho phong trào HS,SV. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương. 

       Ngày 9/11/1949, học sinh Huế bãi khoá. Phan Văn Giáo, Tổng trấn bù nhìn Trung bộ đã thẳng tay khủng bố. HS,SV quyết định bãi khoá để phản đối. Ngày 22/11/1949, trong lúc tại Huế đang tranh đấu, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục. Các cuộc bãi khoá của HS,SV Sài Gòn liên tiếp nổ ra, đưa ra các yêu sách: Chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh; trả tự do cho các học sinh bị bắt sau ngày chống bù nhìn Bảo Đại; bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh.

    Giữa lúc ở Huế, Sài Gòn không khí tranh đấu đang sôi nổi, tại Hà Nội, học sinh cũng đang căm tức vì Pháp và bù nhìn bắt bớ một số anh chị em sau kỳ nghỉ học kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Học sinh Chu Văn An quyết định bãi khoá ngày 25/11/1949, trong các lớp trên tường la liệt khẩu hiệu. Toàn trường vang dậy những khẩu hiệu “học sinh bãi khoá”, “trả lại tự do cho bạn chúng ta”, “đả đảo bù nhìn”.

      Đến tháng 11/1949, đồng thời với nhiều cuộc bãi công, bãi thị của công nhân và tiểu thương, học sinh nhiều trường công và tư thục, đặc biệt là hai trường Marie Curie và Chasseloup tổ chức bãi khóa. Giám đốc Nha học chính Sài Gòn ra lệnh bắt 12 học sinh vì cho rằng “cuộc bãi khóa mang tính chất chính trị”. Đỉnh điểm là ngày 9/1/1950, hàng nghìn HS,SV cùng thầy cô của các trường Pétrus Ký, Gia Long, Nguyễn Văn Khuê, Huỳnh Khương Ninh, Lê Bá Cang, trường Kỹ thuật Gia Định, trường Luật, khoa học,… tham gia bãi khóa. Đoàn người sau đó kéo lên dinh Thủ Hiến đấu tranh (nay là Bảo tàng TPHCM) đòi trả tự do cho học sinh bị giam cầm và hủy bỏ lệnh đóng cửa trường học. Nhân dân kéo đến tham gia cuộc biểu tình của học sinh ngày càng đông. Đến 3 giờ chiều cùng ngày, để chống lại cuộc đấu tranh của HS,SV, giáo giới, phụ huynh, Pháp huy động 500 cảnh sát và binh lính tấn công đoàn biểu tình. Cuộc đàn áp diễn ra rất đẫm máu. Hơn 30 học sinh bị thương nặng, một số học sinh khác bị bắt. Học sinh Trần Văn Ơn bị trúng đạn và hi sinh dưới họng súng của lính Pháp.

       Cái chết của Trần Văn Ơn đã gây phẫn nộ lớn trong toàn vùng Sài Gòn - Gia Định. Ngày 12/1/1950, khoảng nửa triệu người với nhiều thành phần từ nhân sĩ, tri thức, nhà báo, tu sĩ, công nhân… đã tham gia đám tang học sinh Trần Văn Ơn. Dòng người hô vang khẩu hiệu: “Chết vì Tổ quốc, chết nhưng vẫn sống; Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”. Người dân Sài Gòn - Gia Định đổ ra đứng hai bên đường nghiêm trang cúi đầu tiễn biệt học sinh Trần Văn Ơn đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Có thể nói đây là, cuộc biểu tình thu hút đông đảo quần chúng nhất trong thời kỳ chống Pháp năm 1946 - 1954.

      Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và HS,SV trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22 - 23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9 tháng 1 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.

      Trải qua hơn 73 năm kể từ ngày thành lập, các thế hệ HS,SV Việt Nam luôn kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh, được Đảng, Nhà nước dày công bồi dưỡng. Thông qua các hoạt động của mình, HS,SV góp phần giáo dục, bồi dưỡng để hình thành lớp HS,SV mới "vừa hồng, vừa chuyên"; có kiến thức vững vàng, phong phú, có khả năng tiếp cận trí tuệ của thời đại, thiết tha với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có hoài bão lớn, lối sống đẹp, có sức mạnh truyền thống và bản sắc dân tộc, có trách nhiệm cao với cộng đồng, củng cố và phát triển rộng rãi tổ chức Hội sinh viên Việt Nam, tập hợp, đoàn kết đông đảo sinh viên thi đua học tập, rèn luyện, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    Banner liên kết

    solienlacdientu
    tracuudiemthi
    ooffice so
    truonghocketnoi
    thongbaonhatruong
    kehoachnhatruong

    Gallery ảnh

    Thống kê

    Các thành viên : 10
    Nội dung : 448
    Liên kết web : 17
    Số lần xem bài viết : 409513
    Hiện có 16 khách Trực tuyến