Trang chủTin tứcBài viết PHƯƠNG THỨC BÌNH KHI DẠY TÁC PHẨM THƠ

PHƯƠNG THỨC BÌNH KHI DẠY TÁC PHẨM THƠ

  • PDF.InEmail

 (Báo GDTĐ số 107, ngày 5/ 5/2014)

Bình thơ là hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc văn chương và cũng là vốn sinh hoạt quen thuộc của người dân Việt Nam xưa nay. Theo nhà phê bình Hoài Thanh: "Bình thơ là từ chỗ mình cảm thấy hay làm cho người nghe cũng cảm thấy hay". Khi đọc thơ, bạn đọc không dễ thấu tỏ sâu xa vấn đề hay rung động thực sự trước những gì mà nhà thơ sáng tạo nên. Không phải bạn đọc nào cũng nhanh nhạy phát hiện ra những chi tiết nghệ thuật, những ngôn từ, hình ảnh...độc đáo, thi vị. Hơn nữa, người tiếp nhận có thể có những sắc độ rung cảm khác nhau trước cùng một tác phẩm văn chương. Dẫu biết rằng, văn học bắt nguồn từ cuộc sống và trở lại phục vụ cuộc sống. Mỗi thể loại có cách phản ánh hiện thực riêng. Thơ cũng không ngoại lệ. Tiếp nhận thơ đòi hỏi sự công phu. Người tiếp nhận cần có năng lực cảm thụ, có khiếu thẩm mỹ, có vốn sống, sự trải nghiệm...Hiệu quả tiếp nhận thơ không phải dễ dàng có ngay trong chốc lát.
Ở nhà trường phổ thông, bình thơ là cách thể hiện năng lực cảm thụ của học sinh. Nếu giáo viên không khéo léo dẫn dắt vấn đề thì học sinh rất khó thâm nhập tác phẩm. Bởi thế, để học sinh dễ hiểu, cảm thụ được thơ thì giáo viên nên linh hoạt đan xen việc bình thơ trong quá trình giảng giải, phân tích tác phẩm. Khi giáo viên biết chọn lựa vần thơ, hình ảnh, ngôn từ...đặc sắc với lời bình tâm huyết thì sẽ tạo sự cuốn hút học sinh vào tiết học, giúp học sinh hiểu thấu đáo vấn đề hơn. Đặc biệt, giáo viên dần dần giúp học sinh khá giỏi có tâm thế mạnh dạn, tự tin bày tỏ sự hiểu biết, khám phá cái hay, cái đẹp của văn học. Mặt khác, bình thơ tạo điều kiện thu hút học sinh trung bình, yếu, kém hứng thú tập trung lắng nghe lời bình từ bè bạn, thầy cô.
Mỗi tác phẩm văn chương là một thế giới nghệ thuật chứa nhiều tầng ý nghĩa. Chúng biểu hiện qua các tín hiệu ngôn ngữ không giống thực tại bởi các hiện thực được "lạ hóa". Với thơ, phần đa là lời "chật" mà ý "rộng", nghĩa là lời thơ đã dứt nhưng ý tưởng còn dư ba...Do vậy, thơ đòi hỏi người đọc phải đem cả trí tuệ, vốn sống, trí tưởng tượng, sự suy đoán, thể nghiệm...để thấu suốt vấn đề. Nói cách khác, người đọc phải là "Kẻ đồng sáng tạo với tác giả".
Phương thức bình thơ mang màu sắc cảm hứng văn chương rõ rệt. Đây cũng là phương thức truyền thụ văn chương đặc thù. Giáo viên bình trên cơ sở hiểu biết sâu sắc, đúng đắn về tác phẩm. Bình thơ căn cứ trên cơ sở giảng. Khi giảng đúng và bình hay thì bài dạy, tiết dạy mới đạt hiệu quả. Xuân Diệu từng nói: "Một áng thơ là một con cá lội, con bướm bay, con chim hót, việc nghiên cứu không phải cho cá chết khô, bướm ép dẹp, chim nhồi rơm mà là đưa vào trái tim người đọc sự kì diệu của chim hót, bướm bay".
Hơn nữa, "văn học là nhân học" (M. Gorki), cho nên trong giờ giảng văn, người giáo viên phải nắm được thần thái của thơ để thực hiện nhiệm vụ là truyền đạt đến học sinh. Giáo viên không chỉ giúp học sinh hiểu mà quan trọng là biết rung cảm trước vẻ đẹp mà văn chương mang đến. Đây là việc làm khó, đòi hỏi các thao tác giảng – bình phải phối hợp linh hoạt. Làm được điều này, giáo viên chắc chắn thu hút được đối tượng học sinh trung bình, yếu kém chú ý lắng nghe. Hơn nữa, giáo viên góp phần khơi gợi, kích thích khả năng cảm thụ văn chương ở những học sinh khá, giỏi. Từ đó, giáo viên giúp các em có những phát hiện mới mẻ, tăng dần cấp độ rung động thẩm mỹ ở học sinh.
Trong thời lượng hạn hẹp của tiết dạy, giáo viên không nhất thiết phải bình toàn bài thơ mà quan trọng là chọn lựa và hướng dẫn học sinh chỉ ra vấn đề tiêu biểu, tâm đắc để bình. Có thể sự lựa chọn đó là lời thơ, ngôn từ, hình tượng hay kết cấu ngôn ngữ văn bản... Giáo viên không đi sâu những chi tiết vặt vãnh làm phá vỡ chỉnh thể bài thơ. Khi bình, giáo viên cần cân nhắc lời bình để lượng bình lắng đọng, đảm bảo thời gian, nêu bật trọng tâm bài học. Nhằm phù hợp với việc đổi mới phương pháp dạy học tích cực, lúc bình thơ, giáo viên nên dừng đúng nơi, đúng chỗ, dành lại "khoảng trống", giúp học sinh tự suy nghĩ, mở rộng thông qua lời bình có "tính nêu vấn đề".
Tóm lại, giáo viên muốn tạo được tiếng nói tri âm với học sinh bản thân phải là bạn tri âm với tác giả (thông qua tác phẩm), chỉ ra vẻ đẹp của thơ để hướng học sinh cảm thụ dần dần, giúp học sinh học văn, hành văn hiệu quả hơn.
Như vậy, giáo viên chỉ nên dừng lại ở nhiệm vụ môi giới, là chiếc cầu trung gian để đưa tiếng nói của nhà thơ đến với học sinh. Giáo viên tuyệt đối không lấn át ý tưởng chủ quan của nhà. Nói một cách hình ảnh thì bình thơ cũng như đệm đàn, phải biết lùi để đưa tiếng hát, tiếng thơ thăng hoa.
Thực tế cho thấy, muốn bình thơ tốt, giáo viên cần phối hợp đọc diễn cảm (đọc chính xác đúng âm vần, nhịp điệu, ngữ điệu, cường độ...). Bởi lẽ, chất giọng truyền cảm sẽ làm âm vang tín hiệu cuộc sống mà nhà thơ gửi gắm vào tác phẩm. Điều đó góp phần khiến học sinh cảm giác có sự hiện diện của nhà thơ trong tiết học. Nhân đây sẽ kích thích tâm lí cảm thụ, quá trình tự giác tập trung tưởng tượng, liên tưởng, khám phá tác phẩm...
Có thể nói, đọc diễn cảm tạo được sự rung động trực tiếp, làm tiền đề cho việc cảm thụ lí tính tiếp theo. Giáo viên giúp học sinh khả năng tri thức và tái tạo âm thanh, ngôn ngữ, năng lực nhận thức, ý nghĩa của bài thơ trong sự thống nhất giữa nội dung và nghệ thuật. Đọc tốt sẽ tạo đà cho lời bình hay!
Trong dạy học tác phẩm văn chương nói chung và tác phẩm thơ nói riêng, muốn bình giảng hay thì giáo viên phải nỗ lực phấn đấu nhiều mặt. Giáo viên phải có kiến thức văn học phong phú, có lập trường quan điểm đúng đắn và một tình cảm lành mạnh, trong sáng cùng sự nhạy bén rung động thẩm mỹ. Đồng thời, giáo viên phải có năng lực diễn đạt hiệu quả, thuyết phục học sinh bằng ngôn ngữ chính xác, nghệ thuật. Mặt khác, muốn học sinh tích cực, chủ động trong tiết học thơ thì giáo viên cần lưu ý khâu dặn dò sau mỗi tiết dạy (theo phân phối chương trình). Nghĩa là yêu câu học sinh phải đọc trước văn bản thơ, cao hơn là đọc thuộc lòng đoạn thơ tâm đắc, tìm ra nét lạ, nét độc đáo về nội dung và nghệ thuật (ở mức độ tự tìm hiểu).
Nếu thầy trò cùng cố gắng làm được những điều trên đây thì tôi tin chắc rằng: học sinh ngày thêm yêu thơ, tích cực, sáng tạo trong học thơ. Mỗi giáo viên văn sẽ giàu thêm chất văn trong tâm hồn, trong tình yêu nghề nghiệp. Và để bình thơ mãi là sinh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam...

HOÀNG THỦY

Banner liên kết

solienlacdientu
tracuudiemthi
ooffice so
truonghocketnoi
thongbaonhatruong
kehoachnhatruong

Gallery ảnh

Thống kê

Các thành viên : 10
Nội dung : 448
Liên kết web : 17
Số lần xem bài viết : 407950
Hiện có 15 khách Trực tuyến