BÀI DỰ THI SỐ 4
Viết bởi Ban Biên Tập Thứ tư, 18 Tháng 10 2017 06:30
CÕI SỐNG
Lần thứ ba tôi giật mình thức dậy. Ngoài trời mưa cứ rơi. Những cơn mưa thượng nguồn bất chợt trút ào ào rồi rỉ rả tạnh dần, sấm chớp dừng lại. Trời tạnh hẳn, mảnh trăng thượng huyền được rửa sạch như vàng hơn, trong hơn và sáng hơn.
Theo trăng, tôi mở cửa ra đi về hướng tây. Hướng này theo các cụ ngày xưa là đi vào cái u tịch của cõi đời. Cái kết thúc của cuộc đời nhiều khi cũng có hướng hẳn hoi. Tôi đi với tâm trạng bần thần như người đi trong cõi mộng. Mà mộng thật. Khóm chuối sau nhà làm như trêu chọc lấy sự dạn dĩ của tôi. Chúng ánh lên những vệt sáng long lanh, đưa qua, đưa lại, khẽ nghiêng mình rồi hất ngược, bỗng chốc lại tiêu tan. Để lại trước mắt tôi một thân chuối héo hon như thân một người đàn bà đã qua kì sinh nở. Nó tàn tạ, vô hồn. Bất giác người ta tưởng đó là bóng ma.
Ô! Ma thật. Trước mặt tôi là một bóng ma. Một bóng ma Bà. Thất thểu, lê thê. Mớ tóc dài xõa xuống trùm cả tấm thân tiều tụy. Hắn ngửa cổ lên trời, hai tay ôm mặt. Nó khóc, tiếng khóc ư hừ văng vẳng giữa trời khuya.
Tôi giụi mắt. Hai tay giần giật hai vầng thái dương như để trấn an mình và cũng để nhìn cho tận mắt con ma trêu người mà lũ trẻ hay gặp lúc đi chơi về khuya.
Chúng thường nói dưới gốc cây gạo phía Tây đầu làng có ma. Chúng quả quyết đã gặp ma. Con ma tóc dài, mặc đồ trắng, ngửa cổ lên trời, hay khóc. Vân vân và vân vân. Chúng thêu dệt câu chuyện ma khuya như một câu chuyện li kì làm người nghe thoáng chốc hơi rờn rợn. Ai nhút nhát qua cây gạo đầu làng là tăng tốc vượt nhanh. Bọn trai gái yêu nhau không dám hẹn hò phía tây làng như ngày trước. Chúng thường đưa nhau về vòng vèo phía đông làng trên những bờ ruộng gập gềnh nhưng được cái an thân.
Tôi cứ mãi đi, mãi nghĩ và rồi quên cả bóng ma chập choàng trước mắt lúc nảy. Đúng là ma thật rồi. Nếu là người sao bỗng chốc lại biến mất đi. Tôi lạnh toát sống lưng khi đứng một mình dước gốc cây gạo, cây thiêng nhất vùng này. Lại vừa trông thấy ma. Một mớ ý nghĩ như chen lấn vào đầu tôi. Đi đâu vào giờ này. Hay là mình bị ma dẫn. Tôi bần thần không hiểu mình chợt đi đâu. Bất giác nhớ lại thì thấy bụng mình hơi tưng tức. Đúng rồi vì trăng sáng quá và mãi nghĩ trong đầu tôi quên mất rằng mình muốn đi tè giữa đêm. Giờ thì an tâm, tôi kéo quần, đưa vòi. Nước từ trong thượng thận tha hồ tuôn chảy. không yên tâm, tôi định vốc nước của mình để rửa mặt như lời của dân gian thường làm mỗi khi bị ma dẫn. Bỗng nhiên nghe phía sau có bước chân người. Bước chân rón rén, lùi dần rồi bỗng nhiên vùng chạy. Tôi trợn mắt nhìn theo.
Kìa! Ai như con Hạnh. Đúng là con Hạnh rồi. Con Hạnh nhà ông Phan. Thế mà nảy giờ cứ ngỡ là ma. Xấu hổ tôi vừa kéo quần lên vừa khẽ kêu: Hạnh! Con bé nghe tiếng kêu nó càng cố gân bỏ chạy. Tôi rượt đuổi theo.
Hạnh là đứa con gái ngoan nhất làng. Nó vừa đẹp lại vừa nết na. Bố mẹ Hạnh đều là giáo viên. Tuy đã nghỉ hưu nhưng ông Phan vẫn nổi tiếng là ông thầy đức độ. Con cái ông bây giờ thành đạt cả. Thằng lớn là sĩ quan công an đang công tác tận trên tỉnh. Thằng thứ học đại học bách khoa ra trường giờ làm kĩ sư bưu điện. Còn con út- con Hạnh đang theo học lớp 12. Nó học giỏi lại ngoan được nhiều người yêu mến. Nó đẹp nhất trường. Đã mấy lần thi nữ sinh thanh lịch đều đạt vương miện.
Vậy thì đêm nay sao nó lại ra đây. Nó không sợ ma hay nó là ma. Phen này phải làm cho ra nhẽ. Một chút nghi ngờ thoáng hiện qua óc tôi.
..., Mười sáu tuổi con bé đã yêu, theo lời con bé kể, phải cố lắm tôi mới giúp con bé bình tỉnh, rồi trong cơn nức nở nó vỡ òa. Tình yêu đầu đời bao giờ cũng đẹp. Nó đặt rất nhiều kì vọng vào “anh ấy”. “Anh ấy” hơn nó hai lớp, học giỏi, đẹp trai lại con nhà gia giáo. Lúc trước ba mẹ cũng là giáo viên nhưng gặp thế thời đành hưu sớm. Nó gặp “anh ấy” rất tình cờ. Không hiểu sao nó đã yêu. Nó cũng không ngờ tình yêu đến sớm thế. Rồi tình yêu cứ mãi được vun vén theo cấp số nhân mà mỗi ngày chúng thường hay gặp. Thằng ấy học giỏi toán lại hay thơ. Nó hay đọc thơ cho Hạnh nghe. Toàn là những bài thơ tình do nó viết. Giọng đọc trữ tình, lúc trầm, lúc bổng, lúc du dương. Con bé thích được nghe thơ và thèm được nghe hát. Cái lãng mạn đầu đời, con gái đứa nào chẳng thế.
Năm con bé học lớp 11, thằng ấy đi học xa. Đêm chia tay, nó khóc hết biết bao nhiêu là nước mắt. Và rồi đêm ấy …khôn ba năm dại một giờ. Có ăn năn thì đã muộn.
Những lá thư cứ bay đi, bay về như nuôi dưỡng một tâm hồn thơ dại. Nhưng rồi sự đời, tình yêu chân chính không phải lúc nào cũng được bảo vệ chính trên đôi chân.
...,Theo xúi dại của người đời, nó đã chôn cất giọt máu tình yêu tại gốc gạo đầu làng. Nơi mà hai năm trước đây nó đã bao lần hò hẹn. Còn bây giờ, đêm đêm con bé vẫn ra nơi này, một mình khấn vái giữa trời khuya.
Cuộc sống tự nó qua đi theo quy luật sinh tồn. Song trong cuộc đời, cái u tịch của cõi đời lại là nơi gặp gỡ của tình yêu. Gặp gỡ của những bóng ma lặng lờ trong cõi sống. Sống trong cõi tình, sống trong quy luật bảo toàn danh dự. Và sống trong bao nỗi thương tâm.
Mười mấy năm trôi qua, giờ con bé đã có gia đình riêng. Chồng của nó bây giờ cũng là giáo viên, nối theo nghề của ba mẹ nó. Hợp nhau cả tính, cả tình cả sự nghiệp riêng chung. Ngày tháng trôi đi theo dòng đời đã định sẵn. quá khứ rồi cũng khép lại theo qui luật của Nhớ và Quên. Nhớ để quên hay quên rồi để nhớ. Không biết hiện thời con Hạnh, nó có còn bần thần khi trở lại chốn xưa. Gốc gạo ma trơi giờ không còn, thay vào đó là con đường thênh thang chạy dài hàng trăm kilomet. Con đường của hiện tại, con đường của quá khứ, của tương lai. Nó chạy theo kí ức của thời gian, chạy trong lòng người để quên để nhớ.
Nhớ nhớ, quên quên đôi khi cũng là vị thần dược chữa bệnh cho con người khỏi nặng lòng với kiếp sống trần ai. Chuyện cháu bé NTN bị thú rừng ăn mất đôi chân và cả bộ phận duy trì nòi giống ấy biết đâu cũng là giọt lệ đời trong bể khổ trầm luân. Sự đời chua xót bao nỗi đắng cay, kẻ ăn không hết người mần không ra, rồi cũng có kẻ thờ ơ trước bao nỗi đau của người khác; cũng có kẻ nhẫn tâm sống trên mồ hôi nước mắt của đồng loại mà vẫn há miệng cười; kẻ giẫm trên vai người khác mà cứ ngỡ mình mạnh hơn người, nào có biết đâu người ta nâng đỡ mình trên đôi vai mà ai nào hay biết... Rồi có kẻ tham chức tham quyền đánh mất cả nhân tâm.
Chao ôi, sự đời!
Gốc gạo ngày xưa giờ không còn, song con ma vẫn còn, con ma của cõi sống. Tôi ngã đầu, cõi sống thật đa mang.
Tháng 9, mùa nước trôi.
- 31/10/2017 05:58 - BÀI DỰ THI SỐ 9
- 30/10/2017 05:36 - BÀI DỰ THI SỐ 8
- 30/10/2017 05:30 - BÀI DỰ THI SỐ 7
- 27/10/2017 05:48 - BÀI DỰ THI SỐ 6
- 25/10/2017 12:24 - BÀI DỰ THI SỐ 5
- 05/12/2015 06:03 - Nhật kí NGƯỜI THẮP LỬA
- 13/10/2014 13:58 - LỜI BÌNH THUYỀN VÀ BIỂN (Thơ Xuân Quỳnh)
- 18/09/2014 12:31 - TƯƠNG TƯ - KHỞI NGUỒN MỘT TÌNH YÊU
- 30/05/2014 14:54 - PHƯƠNG THỨC BÌNH KHI DẠY TÁC PHẨM THƠ
- 07/04/2014 15:05 - MỘT LỐI TỎ TÌNH MỘC MẠC NÊN DUYÊN