Trang chủTin tứcTừ internetBẢN CHẤT MÔN VĂN VÀ VIỆC DẠY VĂN - HỌC VĂN

BẢN CHẤT MÔN VĂN VÀ VIỆC DẠY VĂN - HỌC VĂN

  • PDF.InEmail

144522VHTX240116

BẢN CHẤT MÔN VĂN VÀ VIỆC DẠY VĂN - HỌC VĂN - TS.NGUYỄN XUÂN LẠC

Đăng trên tạp chí Đất Tổ - Thứ ba - 23/02/2016

Chúng ta đang tiếp tục đổi mới việc giảng dạy và học tập môn Văn trong nhà trường nhằm đạt được những kết quả đích thực và bền vững để chuẩn bị tốt cho việc biên soạn sách giáo khoa mới môn Văn sẽ được thực hiện từ năm học 2018- 2019. Vì vậy, việc nhìn lại bản chất của môn Văn để có một quan điểm thống nhất trong dạy - học Văn là điều cần thiết. Với tư cách là một giáo viên dạy Văn, xin có đôi điều trao đổi về vấn đề này

 

Trước hết, cần xác định môn Văn là môn học kiến thức hay môn học nghệ thuật? Đã là môn học thì môn nào cũng phải cung cấp kiến thức cho học sinh, nhưng xét về bản chất, môn Văn không đặt mục tiêu cung cấp kiến thức là chủ yếu như các môn khác (Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh...) mà hướng tới mục tiêu quan trọng nhất phải đạt được là đem đến Cái Đẹp cho học sinh, nhằm bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ, biết rung cảm trước Cái Đẹp cho thế hệ trẻ. Dạy Truyện Kiều của Nguyễn Du, nếu chỉ cung cấp cho học sinh cốt truyện và cuộc đời của nàng Kiều thì có khác gì dạy các bộ môn khác, nhưng khi làm cho các em rung cảm được trước vẻ đẹp của nàng Kiều để cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của người con gái Việt Nam thì đó mới đích thực là dạy văn. Thành ra, kiến thức ở đây chỉ là cái nền để từ đó Cái Đẹp sẽ được lóe sáng lên dưới sự dẫn dắt của giáo viên và sự khám phá của học sinh. Ta có thể dễ dàng nhận ra sự khác nhau cơ bản giữa môn Văn và các môn học khác: nếu các môn Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh... được viết ra bằng tư duy khoa học thì tác phẩm văn chương lại được viết ra bằng tư duy nghệ thuật. Tư duy khoa học bao giờ cũng cung cấp kiến thức cho người học, còn tư duy nghệ thuật thì đem đến cho họ Cái Đẹp. Văn học ở ngoài đời thuộc lĩnh vực nghệ thuật thì môn Văn trong nhà trường cũng là môn học nghệ thuật. Và giảng dạy - học tập môn nghệ thuật không thể giống với các môn khoa học mà nó phải có con đường đi riêng. Đó là con đường đi từ tâm hồn, trái tim người học để đến với Cái Đẹp Nghệ Thuật, cũng chính là Cái Đẹp của Cuộc Sống, Con Người. Mọi sự áp đặt, dập khuôn, cảm nhận hộ, suy diễn, duy ý chí... đều xa lạ với con đường này khi nó chưa làm cho người học mở lòng ra để tiếp nhận Cái Đẹp trong tác phẩm văn chương. Người giáo viên phải biết cách giúp các em mở lòng ra để đến với Cái Đẹp ấy: đó là thiên chức cao cả nhất và cũng là mục đích phải đạt được của việc dạy Văn.

Nhưng Cái Đẹp trong văn học không dễ gì tìm thấy ngay và càng khó hơn khi phải dẫn dắt học sinh tìm đến, khám phá để cảm nhận được Cái Đẹp và chiếm lĩnh nó. Cái Đẹp có khi lộ ra, nhưng nhiều khi lại được ẩn giấu trong hình tượng bằng lời mà nhà văn đã nhào nặn, khái quát từ hiện thực phong phú, đa dạng của cuộc sống. Bản thân văn học lại thường có tính đa nghĩa và tính mơ hồ (chẳng hạn bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo, Văn 12). Vì vậy phải có “con mắt tinh đời” thì mới phát hiện ra được Cái Đẹp trong tác phẩm văn chương. Người giáo viên văn học dĩ nhiên là phải có năng lực phát hiện ấy, nhưng quan trọng hơn là phải biết truyền cái năng lực ấy đến cho học sinh, tức là bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ và kỹ năng tìm đến Cái Đẹp của các em khi đọc tác phẩm. Chúng ta đang chuyển từ việc dạy học chủ yếu là cung cấp kiến thức sang hình thành và phát triển các năng lực cho học sinh thì ở đây chính là hình thành năng lực thẩm mỹ, năng lực khám phá Cái Đẹp trong văn học. Như vậy, khi dạy văn học như một bộ môn nghệ thuật, cùng một lúc, sẽ đạt được một kết quả kép: vừa đem đến cho học sinh Cái Đẹp trong tác phẩm văn chương, lại bồi dưỡng được năng lực thẩm mỹ cho các em - vốn là một năng lực cần thiết cho con người hiện đại ngày nay. Và từ việc cảm nhận Cái Đẹp mà chính các em đã tự tìm đến sẽ kéo theo nhiều tình cảm tốt đẹp khác một cách tự nhiên như yêu con người, yêu cuộc sống, yêu nước, yêu các giá trị mà con người đã tạo ra...

Xác định môn Văn là môn học nghệ thuật là điều đặc biệt quan trọng, bởi nó không chỉ trả lại cái bản chất vốn có của môn Văn mà còn định hướng đúng đắn cho việc dạy và học Văn trong nhà trường. Từ việc xác định đó, người dạy sẽ tiếp cận môn Văn bằng góc độ nghệ thuật và dẫn dắt người học đi tìm Cái Đẹp cũng bằng con đường nghệ thuật để người học tự mở lòng ra đến với Cái Đẹp bằng trái tim và tâm hồn của mình. Khi đó, giờ Văn sẽ tạo được một sự đồng cảm nghệ thuậtgiữa thầy - trò - tác phẩm để có thể tạo ra sự đồng sáng tạo cùng tác giả. Trong thực tế, nhiều giáo viên đã không làm được điều này, bởi không đi đúng con đường này, mà nguyên nhân sâu xa là do họ chưa ý thức được rõ ràng để xác định môn Văn là môn học nghệ thuật. Đây thật là điều đáng tiếc!

Thứ hai, môn Văn có phải là môn học thực hành không, và nếu có thì đặc điểm và ý nghĩa của nó như thế nào? Bất cứ môn học nào, bên cạnh việc cung cấp kiến thức cũng đều có yêu cầu thực hành để củng cố và vận dụng kiến thức đó. Môn Văn cũng vậy. Nhưng thực hành của nó lại có đặc điểm và ý nghĩa riêng và đây chính là điều khác biệt giữa thực hành môn Văn và các môn khác. Nếu các môn khác chỉ có yêu cầu thực hành tự thân của nó (nhằm củng cố và vận dụng kiến thức đã học) thì môn Văn, bên cạnh yêu cầu thực hành tự thân ấy, còn có thêm yêu cầu hỗ trợ cho các môn khác, nên đã được nâng lên một cấp độ cao hơn để trở thành môn công cụ (cùng với Toán và Ngoại ngữ). Môn Văn không chỉ đáp ứng yêu cầu về thực hành tự thân của nó là biết đọc hiểu các loại văn bản và biết tạo lập các loại văn bản (nói và viết), mà còn là môn công cụ để hỗ trợ việcdiễn đạt được đúng và hay cho các môn khác, kể cả các môn khoa học xã hội như Sử, Địa, Giáo dục công dân... hay các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh (cũng như Toán là môn công cụ để hỗ trợ việc tính toán cho các môn học khác và Ngoại ngữ là môn công cụ để qua đó có thể mở rộng thêm kiến thức cho từng môn học). Xác định môn Văn là môn công cụ là điều cần thiết để người giáo viên quan tâm chú ý nhiều hơn đến khâu thực hành bởi đây không chỉ thực hành cho riêng môn Văn mà còn có tác dụng đến các môn khác. Trong thực tế, nhiều giáo viên đã làm chưa tốt yêu cầu thực hành tự thân cho riêng môn Văn thì làm sao có thể đảm đương được chức năng công cụ cho các môn học khác. Đây cũng là một điều đáng tiếc nữa của môn Văn!

***

Tóm lại, xét về bản chất môn Văn, ta thấy có hai đặc điểm: môn Văn vừa là môn học nghệ thuật lại vừa là môn công cụ. Môn học nghệ thuật là môn học về Cái Đẹp, nhằm đem đến Cái Đẹp cho học sinh để giáo dục óc thẩm mỹ và bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ cho các em. Nhưng từ Cái Đẹp đó, nó sẽ mang đến cho thế hệ trẻ nhiều tố chất để làm người, hoàn thiện nhân cách: lòng yêu nước, thương dân, vị tha, nhân ái, trung thực, dũng cảm... Từ trong Cái Đẹp đã chứa đựng biết bao tư tưởng và tình cảm mà nhà văn muốn gửi tới người đọc. Cái Đẹp của văn chương đã trở thành cái đẹp của con người và cuộc sống. Môn công cụ là môn học mang ý nghĩa thực hành, mà ở đây chính là cách đọc hiểu văn bản, cách tạo lập văn bản, cách diễn đạt sao cho đúng, cho hay (cả nói và viết). Nó phải trở thành mẫu mực, phải nâng lên mức kỹ năng thuần thục để có thể hỗ trợ cho các môn khác một cách dễ dàng, tự nhiên. Chức năng công cụ của môn Văn trong việc hỗ trợ cách diễn đạt cho các môn khác là không thể thiếu được.

Với hai đặc điểm trên đây, môn Văn giữ một vị trí quan trọng đặc biệt trong hệ thống các môn học ở trường phổ thông, kể cả về nội dung tiếp nhận cũng như về thực hành kỹ năng. Là môn học nghệ thuật, nó vượt xa các môn nghệ thuật khác như Âm nhạc và Mỹ thuật vốn chỉ nặng về mặt thực hành và cũng chỉ có ở bậc tiểu học và trung học cơ sở; là môn công cụ, nó có thể sánh ngang với môn Toán: một bên là công cụ để diễn đạt, một bên là công cụ để tính toán. Với lợi thế đó, chắc chắn môn Văn sẽ phát huy tiềm năng và tác dụng của nó trong việc giáo dục tư tưởng, tình cảm và hình thành, phát triển năng lực văn học cho thế hệ trẻ, trong đó đáng chú ý nhất là năng lực thẩm mỹ, biết phát hiện và khám phá Cái Đẹp và năng lực biết đọc hiểu, biết tạo lập văn bản - những năng lực cần phải có của con người trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

                       N.X.L

 (Sưu tầm: Võ Văn Vân)

Banner liên kết

solienlacdientu
tracuudiemthi
ooffice so
truonghocketnoi
thongbaonhatruong
kehoachnhatruong

Gallery ảnh

Thống kê

Các thành viên : 10
Nội dung : 448
Liên kết web : 17
Số lần xem bài viết : 405551
Hiện có 61 khách Trực tuyến