Trang chủTin tứcTin từ InternetTruyện ngắn Việt Nam sau 1986 và sự mở rộng đường biên thể loại

Truyện ngắn Việt Nam sau 1986 và sự mở rộng đường biên thể loại

  • PDF.InEmail

Truyện ngắn Việt Nam sau 1986 và sự mở rộng đường biên thể loại

(trích Tạp chí văn nghệ quân đội – số tháng 6/ 2016)

 

ĐINH TRÍ DŨNG  
 Một trong những đặc điểm nổi bật của văn học Việt Nam sau 1986  là sự đan xen, thâm nhập lẫn nhau giữa các thể loại. Người ta đã nói đến chất thơ trong văn xuôi, chất tiểu thuyết trong truyện ngắn, màu sắc tự sự trong thơ… Với tính chất là một thể loại tự sự cỡ nhỏ, năng động, truyện ngắn đã liên tục đổi mới, thu hút vào trong nó ưu thế của nhiều thể loại khác. Thực ra đặc điểm này đã biểu hiện ở những mức độ khác nhau trong truyện ngắn Việt Nam trước 1986, nhưng phải đến sau 1986, sự mở rộng đường biên trong truyện ngắn mới thực sự trở nên rõ nét trên cả hai phương diện nội dung và hình thức thể loại. Và truyện ngắn đã trở thành một trong những thể loại có thành tựu nổi bật nhất trong bức tranh văn học thời kì Đổi mới.      

Quan niệm truyền thống cho rằng truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ, trước hết là ở dung lượng. Dung lượng là dấu hiệu nhận dạng đầu tiên, và nó cũng quy định khả năng bao quát hiện thực, thể hiện số phận con người của thể loại này. Nếu tiểu thuyết thường có xu hướng mở rộng không gian, kéo dài thời gian, chiếm lĩnh đời sống trong sự đầy đặn và toàn vẹn, ôm trùm nhiều cảnh đời, nhiều số phận, thì truyện ngắn thường xoáy vào một điểm, một “nhát cắt” điển hình nào đó của hiện thực. Nhà văn Nguyễn Công Hoan, bậc thầy của truyện ngắn hiện thực trào phúng, khi nói về kinh nghiệm viết đã nhấn mạnh: “Muốn truyện ấy là truyện ngắn, chỉ nên lấy một ý chính làm chủ đề cho truyện. Những chi tiết trong truyện chỉ nên xoay quanh chủ đề ấy. Không có chi tiết thừa, rườm rà, miên man. Mỗi truyện cần có một ý, một ý thôi. Ý ấy là ý chính của truyện nhưng thực ra nó là ý định của tác giả… Làm nổi được ý ấy cho độc giả hiểu, thì truyện sẽ hay”. Nhiều cây bút truyện ngắn khác cũng nói đến tính chất ngắn gọn, cô đúc, tính “một chủ đề” của truyện ngắn. Bùi Hiển cho rằng: “Truyện ngắn lấy một khoảnh khắc trong cuộc đời một con người mà dựng lên”. Nguyễn Kiên cũng có ý kiến tương tự: “Mỗi truyện ngắn chỉ chứa đựng một tình thế như thế nào đó đã xảy ra trong đời sống, nếu đến hai tình thế trở lên, truyện ngắn sẽ bị phá vỡ”. Nguyễn Thành Long cũng chú ý khai thác cái mà ông gọi là “moment” (ông tự dịch là “chốc lát”) trong truyện ngắn…        
Các ý kiến trên đã từng là định hướng cho sáng tác của nhiều nhà văn trong một thời kì dài. Nguyễn Công Hoan là người trung thành với cách kết cấu truyện đơn giản, chủ đề rõ ràng, không có quá nhiều nhân vật. Nếu câu chuyện còn có khả năng phát triển, ông cắt nó làm hai truyện liên hoàn, chẳng hạn Báo hiếu trả nghĩa cha và Báo hiếu trả nghĩa mẹ; Công dụng của cái miệng và Người thứ ba. Truyện của Bùi Hiển, Nguyễn Kiên, Nguyễn Thành Long… cũng thường chú ý khai thác những “moment” đặc biệt và đã có nhiều tác phẩm tạo được dấu ấn với người đọc.

Sau 1975, đặc biệt là sau 1986, tính chất “một chủ đề”, tính “nhát cắt” bó hẹp của thể loại truyện ngắn đã bị phá vỡ. Cuộc sống bộn bề, với nhiều mảng hiện thực phức tạp đan xen nhau. Nhà văn cũng không còn yên tâm với cái nhìn và sự cắt nghĩa giản đơn, một chiều. Truyện ngắn đã có sự nới rộng biên độ trên nhiều phương diện. Về hình thức, một mặt nó co nén lại trong truyện cực ngắn, mặt khác nó lại có xu hướng gia tăng về dung lượng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng truyện cực ngắn là hình thức kéo truyện ngắn về phía trữ tình, phía chất thơ, là “làm cho người đọc rung động, làm cho tâm hồn người đọc biết nhạy cảm với những xao động tinh vi nhất của cuộc đời”. Ngược lại với xu hướng trên là sự gia tăng dung lượng và mở rộng khả năng bao quát hiện thực, là sự xoáy sâu vào những bi kịch nhân sinh, là cái nhìn đa chiều về số phận con người, là xu hướng tiểu thuyết hóa của truyện ngắn. Trong thực tế sáng tác trước đây, chúng ta đã từng nhìn thấy những truyện ngắn mang dáng dấp tiểu thuyết như AQ chính truyện của Lỗ Tấn, Số phận con người của M. Solokhov, Chí Phèo của Nam Cao…

 

Dường như đã và đang có một sự vận động ngược chiều: Nếu một bộ phận tiểu thuyết có xu hướng ngắn lại (Tấm ván phóng dao của Mạc Can, Lạc rừng, Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Thiên thần sám hối, Lão Khổ của Tạ Duy Anh, Trí nhớ suy tàn, Những đứa trẻ chết già, Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương…) thì nhiều truyện ngắn lại có xu hướng kéo dài ra, mở rộng không gian, thời gian, dõi theo những số phận có thăng trầm, biến cố, làm cho chúng mang dáng dấp những truyện vừa hay tiểu thuyết rút gọn. Ta có thể nhận thấy điều đó qua nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Mạc Can, Võ Thị Hảo, Y Ban, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư… Tuy nhiên, cái cốt yếu chưa phải là dung lượng mà là cách thức tiếp cận, đào xới hiện thực. Lối kết cấu truyện ngắn truyền thống dựa trên một chủ đề mà Nguyễn Công Hoan đã nói dường như đang bị phá vỡ khi xuất hiện các truyện ngắn lồng ghép nhiều chủ đề, nhiều ý tưởng, nhiều khi các chủ đề đan xen vào nhau, với nhiều khoảng mờ không dễ nhận ra như Phiên chợ Giát, Chiếc thuyền ngoài xacủa Nguyễn Minh Châu, Vàng lửa, Kiếm sắc, Giọt máu, Truyện tình kể trong đêm mưa của Nguyễn Huy Thiệp, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Khách sạn Cánh Đồng Diều, Người đàn bà nhìn qua song cửa của Mạc Can, Hồn trinh nữcủa Võ Thị Hảo, Bóng đè, Vu quy của Đỗ Hoàng Diệu… Phiên chợ Giát là cái nhìn đa chiều về nông thôn, về bản chất tiểu nông của người nông dân, là những dự cảm âu lo về con đường đi lên của làng quê Việt Nam. Chiếc thuyền ngoài xa khám phá về những nghịch lí của đời sống, đồng thời cũng là triết lí về văn chương, về nghệ thuật. Vàng lửa, Phẩm tiết vừa đan xen lịch sử và dã sử, hiện tại và quá khứ, vừa là suy tư về quan hệ giữa chính trị và văn hoá, quyền lực và cái đẹp. Bước qua lời nguyền là câu chuyện tình yêu đau đớn, là lời tuyên ngôn “bước qua lời nguyền” cũ kĩ của tổ tiên, những định kiến cứng nhắc về kẻ thù truyền kiếp, về lòng thù hận mù quáng. Cánh đồng bất tận là những mảng sáng tối trong bức tranh hiện thực của xã hội Nam Bộ, là “cánh đồng bất tận” của đói nghèo, lạc hậu, tăm tối, cũng là triết lí về sự sống con người, về trả thù và báo ứng, về bao dung và đổi thay. Khách sạn Cánh Đồng Diều là suy tư về ác tính, vô cảm và trả giá, là sự được - mất đầy vô nghĩa của con người trong dòng chảy thời gian, là hiện thực và cũng là kì ảo, ngụ ngôn của thời hiện tại và quá khứ đan xen… Tính đa chủ đề này làm cho việc tiếp nhận nhiều truyện ngắn trở nên khó khăn hơn, và nhiều lúc vì thế đã gây nên những tranh luận trái chiều. 


Cùng với sự lồng ghép nhiều chủ đề là sự mở ra nhiều tuyến của cốt truyện, của hệ thống nhân vật, sự phức tạp của hệ thống tình tiết, sự đan xen nhiều giọng điệu trần thuật. Xu hướng mở rộng, bao quát cả cuộc đời với chiều sâu của số phận, với những “luật đời”, “nghiệp chướng” nào đó đã trở nên quen thuộc trong nhiều trang viết. Ngay tiêu đề các truyện ngắn đã gợi lên điều đó:
 Một người Hà Nội, Đời khổ, Luật trời, Bạn viết cũ (Nguyễn Khải), Tóc huyền màu bạc trắng, Người đánh trống trường, Những người đàn bà, Anh cả tôi người sung sướng, Bà ngoại, Người bị ruồng bỏ (Ma Văn Kháng), Chị tôi, Một nửa cuộc đời, Thiếu phụ chưa chồng (Nguyễn Thị Thu Huệ), Vòng trầm luân trần gian, Hoá kiếp, Tội tổ tông, Luân hồi (Tạ Duy Anh), Người sót lại của rừng cười, Hồn trinh nữ, Nghiệp chướng (Võ Thị Hảo)… Trong các cây bút truyện ngắn viết thành công sau Đổi mới, Nguyễn Khải là người chăm chú nhất dõi theo những thăng trầm của số phận, của những kiếp người giữa bộn bề phong ba xã hội. Một người Hà Nội là sự khắc hoạ vẻ đẹp sống động của cô Hiền - một người đàn bà Hà Nội bình thường, một bản lĩnh sống, một phong thái quý phái, thanh lịch của con người đất Tràng An xưa mà tác giả xem như một “hạt bụi vàng” còn sót lại. Bạn viết cũ là câu chuyện ngậm ngùi về một “đời văn thăng trầm vất vả của cái nghiệp làm người” của một “bạn viết cũ”, người có mười bảy năm cầm bút với khoảng hai mươi cái truyện ngắn và bút kí. Với giọng văn đầy chất suy tư, triết lí của một con người từng trải, Nguyễn Khải phát huy biệt tài nén chặt những số phận cay đắng, buồn bã chỉ trong dăm bảy trang viết, vì thế câu chuyện dù khép lại nhưng dư âm của nó thì vẫn vọng ngân.

Cùng với khả năng bao quát những thăng trầm của số phận theo chiều dài thời gian là sự mở rộng không gian phản ánh, là sự đan xen nhiều tuyến nhân vật. Truyện ngắn hôm nay cũng không dừng lại với hình thức “một hoặc vài ba nhân vật” mà đôi khi nó là câu chuyện của nhiều người, cả gia đình, cả dòng họ, cả một làng, cả một thời. Giọt máu (Nguyễn Huy Thiệp) là lịch sử của một họ tộc, từ đời đại phú Phạm Ngọc Liên “sống đến tám mươi tuổi. Ông có ba vợ, năm con trai, sáu con gái”, sang đời con là ông Phạm Ngọc Gia làm nghề mổ lợn, đến đời đứa cháu đích tôn Phạm Ngọc Chiểu thông minh tuấn tú từ nhỏ, thi đỗ, làm quan, đục khoét dân chúng, sau bị thất sủng về vườn. Câu chuyện còn kéo dài đến đời vợ chồng người chắt Phạm Ngọc Phong, một kẻ cơ hội, hãnh tiến, cuối cùng chết trong ân hận khi đứa con trai bị sét đánh chết. Bốn mươi lăm trang truyện dồn nén biết bao sự kiện của một họ tộc kéo dài ba bốn đời, với hàng chục số phận thăng trầm, đau khổ, gồm đủ mọi thành phần xã hội khác nhau. Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh là câu chuyện lời nguyền, câu chuyện hận thù kéo dài từ đời ông, đời cha đến đời con của một gia đình. Nhiều truyện ngắn của Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Thân, Trần Thuỳ Mai, Y Ban, Nguyễn Bản… cũng có xu hướng mở rộng dung lượng và sức chứa như thế.

Để mở rộng dung lượng truyện ngắn, các cây bút cũng thể nghiệm nhiều hình thức kết cấu độc đáo. Nguyễn Huy Thiệp thường dùng hình thức liên hoàn hoặc truyện trong truyện. Những ngọn gió Hua Tát gồm mười truyện. Khung cảnh các câu chuyện thường mở đầu là “Ngày ấy ở Hua Tát…”, tiếp theo là “Có một cô gái…”, “Có một người đàn bà...”. ở truyện Trái tim hổ xuất hiện nhân vật chàng Khó, sau đó trong truyện Nàng Sinh lại hiện lên hình ảnh miếu chàng Khó. Chút thoáng Xuân Hương gồm ba truyện, có quá khứ, có hiện tại, được tác giả ghép bên nhau lần lượt là Truyện thứ nhất, Truyện thứ hai, Truyện thứ ba. Võ Thị Hảo có sáng kiến cắt các chương trong tiểu thuyết Giàn thiêu, biến nó thành những truyện ngắn tương đối độc lập nhưng vẫn gắn kết với nhau và đưa vào tập Những truyện không nên đọc vào lúc nửa đêm. Bước qua lời nguyền, Vòng trầm luân trần gian, Hoá kiếp của Tạ Duy Anh như những câu chuyện nối tiếp nhau, móc xích vào nhau, với các nhân vật vừa có mặt ở truyện này, vừa tái xuất hiện ở các truyện tiếp theo.

Nhận xét về tiểu thuyết đương đại, nhà văn Tạ Duy Anh có một ý kiến đáng chú ý: “Xu hướng ngắn, thu hẹp bề ngang, vừa khoan sâu theo chiều dọc… tiểu thuyết ít mô tả thế giới hơn là tạo ra một thế giới theo cách của nó”. Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng cũng cho rằng: “Đọc tiểu thuyết đương đại Việt Nam chúng ta sẽ thấy rất rõ khuynh hướng giản lược nhân vật và cốt truyện”. Truyện ngắn lại đang có một xu hướng vận động ngược lại. Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: “Dung lượng truyện ngắn hiện nay rất lớn, trong độ ba trang mấy nghìn chữ mà rõ mặt cuộc đời, một kiếp người, một thời đại. Các truyện ngắn bây giờ rất nặng. Dung lượng của nó là dung lượng của cả cuốn tiểu thuyết”. Nhà văn Lê Minh Khuê, khi đọc các truyện ngắn dự thi trên tuần báo Văn nghệ năm 1991, cho rằng: “Nhiều người đọc thích các truyện ngắn mang dáng dấp tiểu thuyết cực ngắn, nghĩa là truyện này mà viết dài ra thì thành tiểu thuyết hẳn hoi nhưng tác giả đã dồn nó vào hai trang báo”. Các ý kiến trên thực ra không hề mâu thuẫn nhau mà đều cùng phản ánh một thực tế: các thể loại văn xuôi hiện đại, trong đó có tiểu thuyết và truyện ngắn, đang mở rộng đường biên thể loại, đang thâm nhập lẫn nhau, thu hút các yếu tố tích cực của nhau, mục đích cuối cùng là phát huy tối đa khả năng khám phá thế giới hiện thực, khám phá thế giới tâm hồn đầy phức tạp, bí ẩn của con người.

(Sưu tầm Võ Văn Vân)

Banner liên kết

solienlacdientu
tracuudiemthi
ooffice so
truonghocketnoi
thongbaonhatruong
kehoachnhatruong

Gallery ảnh

Thống kê

Các thành viên : 10
Nội dung : 528
Liên kết web : 17
Số lần xem bài viết : 529937
Hiện có 24 khách Trực tuyến