TỔNG KẾT HỘI THI TTVH CẤP TRƯỜNG 2017-2018

BÀI TỔNG KẾT

HỘI THI THUYẾT TRÌNH VĂN HỌC NĂM HỌC 2017 – 2018

Kính thưa quí thầy giáo, cô giáo!

Các em học sinh yêu quí!

Một ngày đẹp trời, một ngày ấm cúng, thầy trò ta đã được nghe những lời đồng điệu tri âm của các bạn văn, ta được nghe những tâm hồn đang trỗi dậy, chia sẻ nỗi niềm, suy lắng tâm tư, mà bồi hồi ngẫm lại thế sự ngày nay...

Văn chính là đời. Văn chương bắt nguồn từ trong cuộc đời và rồi trả lại cho đời những triết lí nhân sinh mà người đời trông chờ đón nhận. Maxim Gorki nói “văn học là nhân học”.  Đọc văn, học văn để học làm người. Đó cũng chính là thành công lớn nhất trong hội thi thuyết trình văn học vừa qua.

Cùng với bao thầy cô khác cầm chỉnh cân đo giá trị của từng lời văn, tôi quên mất mình là thành viên ban giám khảo, lòng cứ mãi dõi theo sự trăn trở của các em, theo hơi thở của văn chương qua từng thời đại. Các em luận bàn về phép nước tình nhà trong truyện cổ tích, truyền thuyết xa xưa. Các em nhận thức rất sâu về luật trị quốc tề gia. Đồng tình với lưỡi kiếm của An Dương Vương chém rớt đầu một tên phản tặc, dẫu cho đó là con mình để rồi cảm thông sẻ chia với hành động rẻ nước theo rùa vàng xuống biển để lại bài học mất nước muôn đời cho đến hôm nay vẫn còn đau đáu. Các em luận suy trách nhiệm của trang nam nhi tráng sĩ ngày xưa trước vận mệnh quốc gia, trước hồn quốc túy. Người vung giáo gìn giữ non sông suốt cả mấy mùa thu mà không hề nghĩ đến cái tôi cá nhân, hết mình vì cái ta chung của thời đại. Các em lại luận bàn trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay. Một chút lợi riêng đã giành giật lẫn nhau còn lợi ích quốc gia thì bàng quang hờ hững. Các em ngẫm chuyện an nhàn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bĩnh Khiêm mà đau cho các cụ. Người tâm huyết không gặp thời, lũ nịnh thần thì tung môi múa lưỡi. Đau lắm chứ, văn chương đâu phải để mua vui, văn chương nói lên bao nỗi đau đời, gửi gắm cho người đời luận suy thế sự. Người đời nói nhàn cư vi bất thiện.  Lã Vọng ngồi câu cá làm thịnh cho nhà Chu cả tám trăm năm, Gia Cát Lượng, Lưu Bị nhàn nào đâu bất thiện. Tuyết Giang Phu Tử, Tam Nguyên Yên Đỗ nhàn  mà chua xót cảnh nước non. Những người có lương tâm, có trách nhiệm với non sông, họ có nhàn đâu? Vậy mà thời nay, biết bao người tại quan sao lại nhàn dữ thế! Sáng vát ô đi, chiều vát ô về, bòn rút của dân lòng sao không xấu hổ. Văn chương đó, văn của các cụ ngày xưa, giờ được các em nhắc lại.

Các em đọc chuyện thế sự Chí Phèo, không ghét mà lại thương. Giọt nước mắt Chí Phèo nhỏ rơi, bàn tay run run bưng bát cháo hành mà lòng đau quặn thắt. Ước có mãnh đất cắm dùi, vợ dệt vải chồng cày thuê sống cuộc đời lương thiện. Quyền tối thiểu của con người muốn được sống, được bình yên mà cũng không có, để con quĩ dữ trong cái thằng người đành phải chết. Chết để được an thân. Chí Phèo cướp giật người ta khinh, Bá Kiến cướp ngầm ai nào có thấy. Bá Kiến còn không? Chí Phèo còn không? Nỗi đau không chỉ có xưa mà nay còn đang trăn trở.

Văn chương đã nối bắt nhịp cầu cho bạn đọc gần xa. Người nghệ sĩ Lorca hát nghêu ngao trên yên ngựa mỏi mòn bao năm rồi vẫn còn vang vọng. Người nghệ sĩ tự do, người chiến sĩ tự do để lại cho đời ngẫm suy đi tìm chân lí. Âm thanh tiếng đàn bỗng nhiên có sắc, có màu, có hình, có khối, nó cứ mãi lăn tròn trong tâm hồn bạn đọc nhờ vào thi bút tài hoa của nhà thơ Thanh Thảo.

Tiếng ghi ta nâu bầu trời cô gái ấy

Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

Tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy

Văn chương bất chợt hóa hình, máu chảy ròng ròng lòng đau như cắt. Đời thật bất công, kẻ mang gông lại là con người chân chính. Lorca ra đi để lại tiếng đàn, Thanh Thảo gieo thanh bằng vần thơ tuyệt hảo.

Và rồi, cũng bước đi từ trên nhịp cầu ấy, các em lại dẫn tôi vào cái đẹp của con chữ rồng bay. Người tử tù họa bút vẽ chữ thay tranh mà khơi tâm giúp viên quan quay về hướng thiện. Nghệ thuật xóa đi ranh giới hận thù, cảm hóa con người, đưa con người về chốn thiên lương.

Theo trang viết của Nguyễn Tuân các em đưa người đọc, người nghe vào ma hồn trận, cái lược đồ bát quái dưới đáy sông tưởng chừng kìm hãm tất cả thế giới sinh linh, nhấn chìm bao kiếp đời trôi nỗi. Ấy vậy mà ông Đò đã phá thạch trận trùng vi. Tài thật, một người tiểu tốt vô danh làm nghề chèo đò trở thành một vị tướng quân trên con thuyền độc chiến, một nghệ sĩ chèo đò ngoạn mục vượt thác ngàn khơi.

Hai mươi thí sinh, hai mươi phong cách, mỗi em có một vẻ đẹp riêng nhưng cùng có chung một niềm đam mê văn học. Có em giỏi lý, có em giỏi toán, nằm trong đội bồi dưỡng lý, toán mà lại đi thuyết trình văn chương. Hỏi em sao lại thi văn, em hồn nhiên văn chương làm em suy ngẫm, cái sự đời bứt bách không nói không xong.

Cả một ngày ròng rả theo các em lạc vào vườn văn mà yêu văn, yêu người quả không chán. Dẫu đâu đó còn lạc lõng, còn vụng về trong cách nói, cách trả lời, nhưng đó âu cũng là lẽ thường tình. Các em là thí sinh chứ đâu phải thầy giáo cô giáo dạy văn mà bảo nói cho hay, lý cho suông, vấp váp ngượng ngùng là điều không tránh khỏi.

Cuộc thi khép lại bằng sự thắng lợi của tâm hồn mà có lẽ không dễ gì có được. Xin được chúc mừng tất cả thí sinh, cảm ơn tất cả quí thầy cô, đặc biệt cảm ơn thầy Hiệu Trưởng đã tạo sân chơi thanh tao và thiết thực, giúp cho thầy và trò có một dịp ngẫm suy.

Lần nữa, cảm ơn tất cả các em, cảm quí thầy cô chủ nhiệm. Chúc cho hội thi năm sau sẽ có nhiều sẻ chia, có nhiều nhân tài văn chương hẹn mùa nở rộ.

Cảm ơn các độc giả xa gần cùng đồng điệu với trang văn.


Tin mới hơn: