TỔNG KẾT HỘI THI SÁNG TÁC CHÀO MỪNG NGÀY NGVN 20-11

TỔNG KẾT HỘI THI SÁNG TÁC CHÀO MỪNG
37 NĂM NGÀY NGVN 20-11

Sau gần 1 tháng phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được hơn 40 tác phẩm dự thi với nhiều thể loại. Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu, có em học sinh nộp đến 5 tác phẩm. Điều ấy cho thấy, tình yêu văn chương vẫn chưa bao giờ lụi tắt.

1447827969 mung-ngay-20-11-1jpg-1143


Những trang viết về quê hương, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, ... của các em đôi khi còn vụng về, non nớt trong cách dùng từ, đặt câu; đôi khi các em còn chưa xác định được đặc trưng của mỗi thể loại nên có sự nhầm lẫn giữa tản văn và truyện ngắn. Nhưng điều đó chỉ nói lên rằng: các em đã đến với văn chương bằng một trái tim chân thành và nồng nhiệt. Các em đã mạnh dạn nhờ ngôn từ để nói lên tiếng nói của con tim mình, để thổ lộ những điều mình ấp ủ, nghĩ suy... Có những điều, cô tin rằng, các em chưa chia sẻ với bất kì ai, kể cả thầy cô, cha mẹ hay bạn thân của mình... mà giãi bày nó trên trang giấy để nhìn nhận lại quá khứ, để ước vọng về tương lai, hay đối diện với chính mình để hiểu mình hơn.
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng "lấy hồn tôi để hiểu hồn người" khi tuyển chọn các bài thơ hay đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam thì Ban giám khảo ở đây cũng đã làm như thế khi chọn ra 10 tác phẩm xuất sắc nhất trong cuộc thi để trao giải. Thật vui khi đằng sau những trang viết, BGK nhận ra những nhịp đập sôi nổi của trái tim tuổi 16,17,18 hồn nhiên, thật nhiều khao khát, ước mơ và cũng lắm lúc già dặn trước tuổi.
Viết về người thân gia đình, các em đã có những trang văn sâu lắng, xúc động. Đó là tác phẩm "Ba tôi" của Thanh Vân lớp 12/1 kể về một người cha sống cảnh gà trống nuôi con. Ngày con vào Đại học thì người cha cũng bán nốt mảnh vườn, lên thành phố phụ hồ để nuôi con ăn học. Để rồi, một chiều mưa, nhìn thấy cha nằm nghỉ trên đống gạch, người con đau buốt con tim mà ko nói thành lời: Hà Nội hôm ấy gió mùa về. Nhìn cảnh tượng ấy, tôi thực sự đau lòng. Phận làm con gần hai mươi tuổi, chưa lo cho ba được một ngày trọn vẹn, tôi đã khóc như một đứa trẻ. Cảm thấy xấu hổ mà đau đớn vô cùng. Tất cả như chết lặng trong giây phút đó, như thể thành phố này chìm trong im lặng. Không còn hàng quán, không còn tiếng xe cộ, không còn sự náo nhiệt, vội vã của thành phố này nữa. Tất cả dường như đang đau cùng tôi nỗi đau xé lòng.
Đó là trang viết của Phan Thị Thùy Oanh lớp 11/3 về người chị đã mất của mình trong truyện ngắn "Thiên thần nhỏ của tôi!": Chị ra đi đột ngột khiến mọi người không ai tránh khỏi xót thương. Kể cả tôi, người lớn lên cùng chị, vui đùa cùng chị, làm tất cả mọi thứ cùng chị... Bản thân tôi cũng không quên được người đã tô thêm nét màu tươi sáng để bức tranh thanh xuân của tôi thêm rực rỡ. Nhưng đó chỉ là quá khứ. Còn hiện tại: Em ở đây, em mãi ở đây mà chị thì đang ở chốn thiên đường nào rồi?
Vào một chiều mưa buồn tầm tã, ướt hết cả khung trời Buôn Ma Thuột. Mùa mưa ở cái xứ Buôn Mê này không chỉ mưa mà còn chở theo cái giá lạnh, chở theo hồi ức, kỉ niệm... "Khi lòng mình buồn thì trời sẽ đổ cơn mưa" Có lẽ vì thế mà mưa rất to và nặng hạt khiến lòng mềm yếu, nhưng cái hồi ức ấy vẫn không thể nhạt nhòa...
Bên cạnh đó, những trang viết về thầy cô cũng không kém phần xúc động. Đó là bài thơ "Thầy tôi" của Tố Lên lớp 10/6, " Người lái đò" của Trần Thị Tình lớp 12/7:
Người lái đò tôi kể
Là người cô kính yêu
Tóc đã ngả màu bạc
Phất phơ gió thu chiều.

Rồi nhiều năm đã qua
Nay bỗng nghe tin dữ
Người lái đò ngày ấy
Đã về nơi rất xa.

Bỏ tất cả sau lưng
Bỏ dở cả chuyến đò
Đò thì vẫn còn đấy
Chỉ tiếc người đã đi.
Đó còn là những dòng tản văn ăm ắp nỗi nhớ, niềm thương và sự biết ơn chân thành gửi đến quý thầy cô giáo của Hồng Vỹ lớp 12/7 với Lời tri ân, của Trịnh Phú Đạt lớp 12/2 với Thầy cô là tất cả,...
Đề tài tình bạn cũng được khai thác và có một số tác phẩm đáng chú ý như : Tớ là vua hải tặc của Ánh Minh, Sống là không chờ đợi của Thúy Diệu, Hướng dương của Trương Thanh Bình lớp 11/1. Tuy nhiên, đề tài được viết nhiều nhất, hay nhất trong cuộc thi sáng tác lần này là Tình yêu tuổi học trò. Có thể kể đến hàng loạt các tác phẩm như: Thanh xuân tớ có cậu của Như Ha lớp 12/6, Hướng dương của Trương Thanh Bình lớp 11/1, Nắng hạ của Xuân Ba lớp 12/1, Tôi và tình yêu năm 17 của Trương Văn Nhật lớp 12/4....Có thể nói, những rung động đầu đời của thời áo trắng đã được các em thể hiện một cách hấp dẫn khiến ai cũng ao ước được chạm đến một lần trong đời. Đó là mối tình tuổi 17 trong trẻo qua giọng văn hồn nhiên, tinh nghịch của Trương Văn Nhật, lớp trưởng 12/4: "Cô ấy là Tít.... Tôi sẽ không kể về cô ấy có đôi mắt tròn xoe như mắt biếc, học hành giỏi dang, làn da trắng và nụ cười tỏa nắng,... Nhưng tôi muốn nói với bạn, Tít là một cô gái khá hoàn hảo. Tôi gặp Tít lần đầu vào đầu năm lớp 11 khi gia đình tôi vừa ở thành phố chuyển về. Vào một ngày đầy nắng, sân trường vắng tanh, chỉ có tôi và Tít, đi ngang qua nhau, không biết sao lúc đấy lại có những hai mặt trời. Tôi đã say đắm Tít từ lúc ấy.
Và mỗi sáng, sau khi kết thúc hồi tin nhắn, tôi thay quần áo rồi lấy vài ba cuốn tập, xong chạy xuống nhà ăn sáng rồi cưỡi con "chiến mã" sang nhà Tít. Gọi là "chiến mã" cho sang vậy thôi chứ thật ra nó là một chiếc xe đạp giàng ngang cà tàng cũ, tuy hơi cà tàng là vậy nhưng lúc nào tôi cũng lau chùi sạch sẽ, sáng bóng bởi đây là phương tiện mà tôi chở tình yêu của tôi đi qua năm tháng đó".
Đó là mối tình đầy thơ mộng của một đôi bạn thân từ thuở thiếu thời, không biết từ lúc nào đã vượt qua ranh giới của tình bạn trong những trang văn mượt mà, sâu lắng và tài hoa của Xuân Ba trong Nắng hạ- Tác phẩm nổi bật nhất của cuộc thi sáng tác lần này. Xin mời bạn hãy dừng lại, thưởng thức những trang văn tài hoa ấy của một chàng trai nhút nhát, khá kín tiếng nhưng có đời sống nội tâm sôi nổi và sâu sắc.
- Nhã có khuôn mặt thanh mảnh, đôi mắt to, đen và trong trẻo, tóc ngang vai, dày và mịn. Em hay cười, trong veo ở tuổi mười bảy. Nhã rất xinh. Luôn luôn trong mắt tôi, em thanh tú trong tà áo dài, nhẹ nhàng, ngọt ngào như tia nắng một sáng đầu hạ, cao vút trên bầu trời xanh thẳm, không tì vết. Một hạ nào, ánh nắng ấy đã va vào tim tôi?
- Mưa kéo dài, nặng trĩu, đẩy nắng ra xa, khuất sau những đám mây xám xịt. Tôi không thích mưa. Hạt mưa rơi vội xuống đất, vỡ tan khiến tôi mơ tưởng đến những thứ mong manh, vô vị, như chính bản thân mình. Tôi luôn là kẻ nhút nhát, chán chường. Đối với Nhã, tôi chỉ biết lặng thầm đợi chờ. Tôi đợi chờ trong vô vọng, thấp thỏm. Tình cảm của tôi cứ lớn dần lên, như không khí thổi phồng quả bóng bay, tôi sợ mình sẽ vỡ tan mất. Tôi luôn dành cho Nhã một sự trân trọng, yêu thương đến day dứt. Nhưng cũng chỉ có vậy, không gì hơn. Tôi không muốn Nhã biết tình cảm của mình. Tôi sợ tình cảm ấy sẽ ràng buộc Nhã vào sợi dây mà em không hề muốn. Tôi hiểu cảm giác con chim non bị nhốt trong lồng sắt, bỏ rơi cả bầu trời. Thứ lồng sắt ấy, tôi không muốn gắn vào cuộc đời em. Em là tia nắng rạng ngời, còn tôi chẳng là gì ngoài giọt sương trên cuốn lá. Nắng lên, sương cũng tan mất.
Mưa vẫn rơi hoài không dứt. Trong cơn mưa ấy, Liêm xuất hiện như tia sét cắt qua đời Nhã và cứa nát trái tim tôi.

Bên cạnh những trang văn đong đầy tình cảm, cảm xúc là những trang thơ mang tính nghệ thuật rất cao với những cách dùng từ, đặt câu mới lạ; tư duy thơ độc đáo, già dặn của em Hồ Ngọc Yên Ny lớp 12/3 với chùm thơ 5 bài: Chí Phèo uống rượu, Áo trắng ơi, Ngồi lại, Giấc mơ đi học, Uống. Đặc biệt, BGK rất ấn tượng với bài thơ Chí Phèo uống rượu :
Dốc chai cạn nốt ly này
đời như phiên chợ
tỉnh
say
nghĩa gì
người ái ngại
kẻ khinh khi
thì ta cứ việc cạn ly
kệ đời

Sống là một chuyến rong chơi
bận lòng chi chuyện đất trời tranh ngôi
khổ đau cũng khổ đau rồi
thì ta bên lở
bên bồi kệ ai

Uống cho quên tháng năm dài
mối tình Thị Nở đã ngoài trăm năm
tiếc làm chi chuyện ăn nằm
tình như hạt bụi giữa thăm thẳm người
............................................................
Có thể nói, cuộc thi sáng tác lần này sân chơi trí tuệ để các em thử sức và thỏa mãn niềm đam mê văn chương, là nơi ươm mầm cho những tài năng văn chương trong tương lại. Trong cuộc chơi này, BGK nhận thấy một số cây bút có nội lực và có thể tiến xa hơn nữa. Biết đâu, một ngày nào đó, 5 năm hay 10 năm sau, tại sân trường này, chúng ta lại có dịp đón chào một nhà văn trẻ- một cựu học sinh trường THPT Duy Tân. Chúng tôi tin thế. Hi vọng các em cũng tin như thế. Bởi lẽ người ta thường nói: TIN LÀ CÓ!
Chúc các em giữ lửa văn chương và truyền lửa đến những người xung quanh để có một ngày văn học lên ngôi.
Chúc quý thầy cô giáo và các em học sinh một mùa nhà giáo 20-11 đong đầy hạnh phúc!


Các tác phẩm đạt giải:

TT HỌ TÊN HỌC SINH LỚP TÊN TÁC PHẨM DỰ THI ĐẠT GIẢI
1 Trương Thanh Bình 11.1 Hướng dương Khuyễn khích
2 Trịnh Phú Đạt 12.2 Thầy cô là tất cả Khuyễn khích
3 Nguyễn Thị Hồng Vỹ 12.7 Lời tri ân Khuyễn khích
4 Trần Thị Tình 12.7 Người lái đò Khuyễn khích
5 Nguyễn Thị Tố Lên 10.6 Thầy tôi ba
6 Phan Thị Thùy Oanh 11.3 Thiên thần nhỏ của tôi ba
7 Trương văn Nhật 12.4 Tôi và tình yêu năm 17 ba
8 Nguyễn Thị Thanh Vân 12.1 Ba Tôi Nhì
9 Hồ Ngọc Yên Ny 12.3 Chùm thơ 5 bài Nhì
10 Nguyễn Xuân Ba 12.1 Nắng hạ Nhất

Biên tập: Phan Thị Thanh Tuyền – TTCM – Ngữ văn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: