TRANG THƠ NHÀ GIÁO: MÙA NƯỚC NỖI

MÙA NƯỚC NỔI ...

Nhâm nhi cọng cỏ, vị ngòn ngọt, cay cay đầu lưỡi. Cái cảm giác thật quen thuộc. Hình như lâu lắm rồi, tôi mới có lại cảm giác này. Thật ấm áp, yêu thương. Con đường quê ngoằn ngoèo dẫn ra bờ ruộng. Một bãi đất trống mênh mông...

Đêm sáng trăng, con sông Trường Giang mênh mang sóng nước, gió lùa từng cơn mát lạnh. Đồng lúa chín căng mình trải dài như thảm lụa vàng óng. Xa xa, những dãy nhà dân nhấp nháy ánh điện...Từ trên cao, phía con đường lớn của thành phố nhìn về, cảnh quê thật thanh bình, yên ả. Bé Út thốt lên “Chao ơi! Đẹp quá chừng!”. Rồi chợt nó trầm ngâm “Mà vào mùa mưa lũ thì tội quá cô nhỉ?”

Phải rồi, thương lắm! Khúc ruột miền Trung mà. Cứ “tháng bảy nước nhảy qua bờ”, ông bà xưa nói quả không sai. Chỉ cần mưa liền một ngày dài là nước ngập tràn bờ ruộng, hai ba ngày là thấm đẫm đường quê, bốn năm ngày liền thì ôi thôi “biển trời mênh mông”, long đong nỗi khổ. Đứng trên đường lớn nhìn về làng quê nghe dậy lên một cảm giác lành lạnh, xót xa. Tôi đã nhiều lần dừng chân lặng nhìn phía ấy. Những con đò đánh cá, cào hến ven sông Trường Giang giờ thêm nghề đưa đón bà con đi làm, lên chợ, học sinh đi học...Dõi về xa xăm mà nhớ đến nao lòng!

Ngày ấy, ở quê, khi chuẩn bị vào mùa mưa, ba thường chất những bao cát lên nhà để tránh gió bão tốc mái. Cửa ngõ được kiểm tra để ứng phó với thiên tai khắc nghiệt. Lương thực được mẹ mua nhiều hơn để dự trữ mùa mưa. Người lớn lo lắng khi mưa lụt đến, trẻ con thì đặc biệt ham thích, đợi chờ mưa lụt về. Cứ hỏi mười đứa thì có đến chín đứa rưỡi khoái “món” này. Lạ thật! Những trận lụt thường diễn ra giữa mùa trăng, người lớn tất bật dọn dẹp đủ đường còn trẻ con sẵn sàng lên kế hoạch “lội lụt”. Có lần lụt về bất ngờ nửa đêm, thả chân xuống giường nghe tiếng “chủm”. Cả nhà cuống cuồng vác lúa đưa lên cao. Mẹ kịp bê thùng gạo, mắm muối, cái kiềng ba chân và bó củi khô lên bàn. Mẹ bảo mấy chị em lên gác xép ngồi tránh lụt, ba dắt con trâu cái đang chửa khệ nệ đi tránh nước. Hai chị em thỉnh thoảng lén tụt xuống chân cầu thang, khoắng nước một hồi. Mẹ cười, mắng vốn “Cha tụi bây”...

Ngôi trường quê lọt thỏm giữa vùng nước nổi nên chỉ cần mưa lớn là học sinh nghỉ học. Lũ trẻ khoái vô cùng. Khoái hơn nữa là chừng hai ba ngày sau khi nước rút, lũ trẻ kéo nhau lên bè chuối gọi là đi “dạo lụt”. Có lần bè chuối ra giữa dòng nước sâu, luống cuống chống hụt mất cây sào, không ai rành bơi, sợ một phen ra hồn. May mà chú Năm đi thả trâu thấy vậy đã kịp kéo bè tấp vô bờ. Vậy mà đâu có chừa, năm nào cũng năn nỉ ba làm bè chuối bơi sông...

Năm ấy mưa lớn, nước cứ lên xuống thất thường, kéo dài cả tuần liền. Ngày nhỏ dại khờ mong lụt để được nghỉ học, lớn lên thì lo lắng không theo kịp bạn bè. Nghỉ học đến hôm thứ hai, tôi tiếc rẻ vì lớp chuyên học cả ngày, nghỉ hai ngày là mất vô khối bài học. Thầy dạy Văn của tôi thực sự đáng mặt sư phụ. Nghỉ học tiết của thầy, tiếc lắm. Chừng mưa ngớt, tôi xin ba đưa đi học. Mấy gia đình gần nhà chung nhau những cây chuối sứ lớn để làm bè. Sáng sớm, cứ mỗi bè chở bốn học sinh, chèo riết gần cả tiếng đồng hồ mới lên được đường chính trên phố. Ngồi trên bè sợ ướt nên đứa nào cũng mang quần xà lỏn, quấn áo mưa hoặc cái tơi, sách vở, quần dài bỏ hết vô cái túi ni lông to bự. Đặt chân lên đường chính là cả nhóm nhanh chóng xỏ quần dài, mang dép chỉnh tề rồi tiếp tục hành trình cuốc bộ chừng năm cây số mới đến được trường học. Vừa nhìn thấy chúng tôi, các bạn ùa ra xem như...kì tích. “Nước to đùng mà qua được à?”, “Đi bằng xuồng chuối hả, thích he...”. Có đứa còn lẽo đẽo “Cho tui về quê lội lụt với” Trời ạ! Đúng là dân phố!...

Những bài văn ra đời ngày mưa dường như cũng ướt át hơn. Bữa ấy thầy giáo ra đề “Tìm hiểu đại từ ai trong ca dao Việt Nam”. Mưa lụt cả tuần, mẹ gửi tôi lên trọ ở nhà dì trên phố. Phía trước nhà dì là sân vận động. Tiếng loa phát thanh vang vang. Dì bảo thành phố đang tổ chức vận động cán bộ, bà con dân phố đóng góp ủng hộ bà con vùng lũ. Biết giờ này ba mẹ, anh chị còn vật vã với dòng nước lụt, nước mắt tôi ướt nhoè cả quyển vở bài tập. Không thể khóc mãi được. Ba mẹ không muốn mình thất học mà. Mình phải học tốt thay vì ngồi khóc. Tôi tự nhủ. Vậy rồi tôi cắm cúi viết một mạch chừng bốn năm trang giấy. Lòng thấy nhẹ vơi. Bài làm văn ấy được thầy giáo đánh giá “Hiểu đúng dụng ý của đề. Bài làm văn phong phú và có nhiều chỗ phân tích đúng”. Tôi nhảy cẫng lên vì được điểm 8, cả lớp chỉ có hai người đạt điểm 8 và vì với thầy tôi, đạt điểm 6 của thầy đã được coi là oách lắm rồi. Và vì, tôi đã biết đem lại niềm vui cho ba mẹ yêu thương...

Giờ đây mỗi mùa mưa lũ về, đến lớp, thấy chỗ ngồi vắng em, lòng cứ bồn chồn lo lắng. Em có như tôi, đang đi giữa dòng nước nổi? Bài giảng giữa mùa mưa cứ thế rưng rưng...

                                                                                  HOÀNG THỦY

GV THPT DUY TÂN, TAM KỲ, QUẢNG NAM


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: