BÀI DỰ THI SỐ 18

TẮT NẮNG

   Có những mảng kí ức dù thời gian đã trôi qua rất lâu nhưng lòng người lại nhớ rõ mồn một giống như chuyện vừa mới xảy ra.

   Trời chiều đã tắt nắng  nhưng đâu đó trong lòng dù cho là góc khuất vẫn luôn cố lưu giữ một chút lửa lòng để cho người cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Và mỗi khi lòng người hoài cảm về vùng kí ức xa xưa thì cũng là lúc ta như sống lại một khoảng trời thanh tịnh, u hoài với lặng cảm với thời gian.

   Những người ngư dân nghèo sống với nước, chết với nước, họ như  đám lục bình yếu ớt, gượng lên sóng giật để sống phe phẩy cùng gió đông. Chỉ có ai từng qua cơn bão táp mới thực sự thấu hiểu hết được cái kiên cường ngoạn mục của những con người suốt cả cuộc đời làm bạn với sóng gió biển khơi.

   Hôm nay trời nắng nhẹ, khí trời yên ả. Mà một khi khí trời lặng gió bao nhiêu thì nỗi lo lại càng chồng chất bấy nhiêu. Theo kinh nghiệm của người xưa, ngoài khơi bão càng lớn trong bờ gió lại càng yên. Biển hút hết gió rồi, trong này yên lắm, và đó là dự báo bão to.

   Trời cũng thật biết đùa người, nắng nhè nhẹ rồi cơn bão lại đến, nắng qua bão sẽ đến, đó như là điều không thể chối cãi của tự nhiên, trước khi bão tới trời sẽ có nắng bởi hôm nay đang cuối tháng 11 đầu tháng 12 lúc mà những cơn bão hay ập tới nhất.

   Khi nhận được thông tin bão đang tiến dần vào lãnh thổ Việt Nam, mẹ tôi buồn và tôi cũng chẳng vui mấy, tôi và mẹ nhìn nhau, cứ lúc nghe tin mùa mưa bão tới tôi lại không làm chủ được cảm xúc, nước mắt cứ thế mà rơi xuống, rơi đến khi tôi cảm nhận được trong chén cơm trưa lẫn cả vị mặn của nước mắt. Bữa cơm thấm đầy những kí ức trở về rồi cũng đem đến trong lòng nỗi buồn man mác, tôi phụ giúp mẹ những việc linh tinh rồi ngồi bên bà như muốn một phần nào xua tan đi bớt nỗi nhớ người thân, mẹ tôi yếu đuối lắm nên tôi phải mạnh mẽ. Ngồi bên bà chp lâu, tôi cảm nhận khóe mắt cay cay chỉ biết âm thầm nói “ Lại bão nữa rồi”. Có những đoạn kí ức đau thương đến mức không phải chỉ những lúc ta tỉnh mới nhớ đến nó, mới nghĩ đến nó mà ngay cả khi ta đã thấm mệt và chìm vào giấc ngủ nhưng nó vẫn hiện lên.

   Năm ấy, khi  mùa mưa bão lại sắp tới, ba nói:

   -  Chuyến này ba phải tranh thủ ra khơi đánh bắt cá được bao nhiêu còn để cho mùa đông tới đây chứ không là cả nhà phải ăn mắm, có khi cả mắm lại không có ăn. Lần này kiếm chác được gì còn phải mua một cái ti vi để tối lại mở cho vui nhà.

   Ba tôi nói như vậy, khuôn mặt ông hiện rõ nỗi lo, …rồi ngày mai ông cùng bác Tư lên thuyền ra khơi. Ba tôi cùng bác Tư và những anh em trong xóm rủ nhau ra khơi.

   Chính lúc ấy trời đem bi thương tới.

   Ba tôi và mọi người ra khơi chưa được bao lâu, tầm chừng 6-7 hôm, vậy mà sau đó đài thông báo bão tới. Khi nghe tin trong lòng hiện lên nỗi bất an, run đến nỗi chẳng dám ăn chỉ dám thay nhau canh trực tin “ tốt rồi” từ người thân cứ như là giây phút khó chịu nhất lo lắng nhất,  mọi cảm xúc bất an hầu như đều dồn vào lúc này.

   Hai tiếng trôi qua…ba…bốn... rồi cuối cùng nhận được tin trú bão an toàn từ bác trưởng thôn.

-   Này mẹ đâu rồi?

-   Dạ mẹ con mới chạy ra vườn hái rau bác ạ, tàu ba con và mọi người sao rồi, con lo quá.

-   Ổn rồi, mọi người ổn rồi, bác chạy qua đây để báo tin này đây.

-   Dạ, con mừng quá bác ơi!

   Tôi cứ trông chờ nhất tin này, bác trưởng thôn nói với tôi rồi tranh thủ chạy qua nhà mọi người xung quanh, vì chuyến này trong xóm tôi nhiều người ra khơi lắm, lúc mẹ tôi bưng rổ rau vào, tôi nói:

   -Mẹ ơi, chuyến tàu của ba an toàn rồi. Ba nói không vào được đất liền, bão đã tiến sát rồi, mẹ lo nhà cửa cẩn thận, ba nói vậy, bác trưởng thôn mới qua nói đây mẹ.   

   Nhưng,… Sau lời thông báo đã tốt rồi không phải đây là lần đầu ba tôi gặp bão khi đang đi đánh cá, nhưng lần này cảm giác cứ bất an trong lòng, những lần khác khi nghe nói “ an toàn” tôi đều cảm thấy nhưng lần này thì…

   Lúc này, không phải trong làng tôi ai cũng có ti vi , nhà tôi không có, chỉ có nhà bác Tư và hai ba người là có , xóm tôi nghèo lắm.

   Đêm hôm ấy, mẹ tôi qua nhà bác tư canh trực tin, đài báo bão đổ bộ vào khu vực tôi đang ở nên mẹ tôi tranh thủ chạy qua xem tin tức rồi về với tôi.

-   Mẹ ơi, đài báo bão lúc nào sẽ vào?

-   Tầm 2 hay 3  giờ nữa  con à, con ra giúp mẹ chặn mấy cái cửa lại!

   Tôi cùng mẹ chặn cửa xong rồi vào nhà, hai mẹ con tôi nằm trên một tấm ván, rồi tôi thiu thiu ngủ lúc nào không hay, đến 2 giờ hơn tôi giất mình dậy khẽ lay cánh tay mẹ.

-   Bão chưa tới hả mẹ?

   Mẹ lấy tay xoa xoa trán tôi, rồi bà im lặng.

-   Mẹ ơi hay là mẹ xem lộn rồi, có khi có khi không phải .

   Mẹ vẫn im lặng.

   Trong lòng tôi, cảm giác bất an lại đến, tôi nằm im không ngủ được nữa, cứ trông cho trời mau sáng.

   -Mẹ! trời sáng cho con qua nhà bác Tư xem tin báo bão sao rồi nha, con cứ thấy lo lo mẹ à.

   Mẹ tôi đáp:

   -Ừ, trời sang rồi qua.

   Tôi cứ trông cho thời gian qua thật nhanh và tôi cứ liên tục xem giờ nhưng cũng không thấy bão, mẹ tôi cũng trằn trọc, chỉ mong cho trời mau sáng…

    4 giờ…4 giờ 15…4 giờ 50…5 giờ…5 giờ 15, tôi cứ liên tục coi giờ như vậy, cứ như  không  thể  chờ  thêm  nữa. Mẹ tôi run run cầm một chiếc đèn pin qua nhà bác Tư, tôi cũng vội chạy theo. Qua đến nơi thấy vợ bác Tư và mọi người đều đang hoảng loạn, có lẽ lúc này là lúc tôi muốn bão ngay lập tức đổ bộ vào đây nhất vì có thể nó đi lệch hướng  nó đi là nơi mọi người trong xóm và ba tôi đang trú ở đó, tôi nghĩ như vậy. Tín hiệu ở đây không nhận được. Một vài tiếng sau người trực ở biển báo về, họ nói cơn bão đã đổi hướng  và họ đã mất tín hiệu để liên lạc, nghe tin mọi người như sụp đổ.

-   Mẹ ơi! Ba sao rồi?

   Tôi hiểu được chuyện gì đang xảy ra, nhưng ngay lúc này chỉ thốt ra được một câu như vậy.

   Mọi người trong xóm chỉ biết khóc và trông chờ thông tin, mọi thứ tuyệt vọng nhất là lúc này. Bây giờ làm gì ngoài hi vọng nhất lúc này, chỉ có thể nói trong bụng rằng: “ Ba ơi! An toàn nha, mọi người đừng sao hết cả”. Nơi tránh trú trở thành tâm bão, những chiếc thuyền ngoài kia sao chống chọi lại cơn bão mạnh đến cấp 15 giật cấp 15 được. Mất liên lạc là những gì họ thông báo, còn tôi hi vọng là những điều có thể làm lúc này.

   Và rồi, ba tôi mãi mãi ở biển, mọi người mãi mãi không về. Sinh ra ở vùng ven biển, chết đi cũng gắn liền với biển. Biển là nơi tôi khôn lớn cũng là nơi yên nghỉ của ba và những ngư dân trong xóm.

   Tôi muốn được tắt nắng một lần để vơi đi nỗi nhớ thương ba, vơi đi nỗi xót xa cho những ngư dân bỏ mình nơi biển cả mênh mông. Sóng vỗ…


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: