HỘI THI SÁNG TÁC TRUYỆN NGẮN: SÁM HỐI Tác giả: Đỗ Ngọc Thanh Hoàng, lớp 12/1

SÁM HỐI

Tác giả: Đỗ Ngọc Thanh Hoàng, lớp 12/1

 

            “Đúng 14 giờ 30 phút, ngày 6 tháng 7 năm 2012, tại phòng xử án của Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, bắt đầu vang lên lời tuyên án của chủ tọa “Nhân danh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam... Tuyên phạt bị cáo Trần Đức Nam sáu năm tù giam vì tội trộm cắp tài sản và cố ý gây thương tích cho người khác.”

          Nó gục xuống trước vành móng ngựa như sụp đổ hoàn toàn, cái bản tính liều lĩnh của một thằng con trai độ tuổi mười tám giờ chẳng còn nữa, thay vào đó là những giọt nước mắt hối hận. Nhưng liệu đó phải là sự ân hận muộn màng hay không? Đôi bàn tay nổi đầy gân hằng những vết chai sạm giờ đã nằm gọn trong chiếc còng số Tám. Khi công an dắt nó ra khỏi phiên tòa nó cố liếc nhìn ánh mắt đỏ hoe không còn sức sống của bà ngoại nó. Cũng chính ánh mắt ấy đã làm nó hối lỗi ăn năn suốt thời gian đi tù của mình chăng? Bà ngoại nó do quá sốc lâm bệnh rồi qua đời khi nó đang ngồi tù năm thứ ba, cậu út đến báo tin mà nó khóc như mưa trước mặt cậu, còn cậu nó từ lâu cũng chẳng ưa gì nó mà cay nghiệt: “Bà mày mất, mày hài lòng rồi chứ”?

          Ngày xưa, nó cũng đã từng có một gia đình hạnh phúc, ba nó thì đi làm công trình còn mẹ và nó ở nhà làm vài việc đồng áng. Tuy không khá giả, lương thì ba cộc ba đồng nhưng cũng đủ để sống, đủ để qua ngày. Rồi! Biến cố không may ập đến gia đình bé nhỏ của nó, năm nó lên bốn tuổi, ba nó trong lúc làm công trường bị sập giàn mà qua đời. Từ đó, hai mẹ con nó bơ vơ giữa dòng đời. Ba mất, mẹ nó đã ngất lên ngất xuống mấy bận. Đưa tang ba, nó cầm di ảnh của ba mình mà nó đâu ý thức được rằng ba nó đã đi xa mãi mãi. Mấy người lớn hỏi thì nó nói: “Ba con đi bán muối rồi sau ba về mua đồ chơi cho con”. Như lịm đi, mẹ ôm nó vào lòng mà không nói được gì, bà con lối xóm ai cũng thương tình, động viên giúp đỡ an ủi mẹ con nó.

          Thời gian thấm thoát trôi đi, nay thằng bé vào lớp một, càng lớn nó càng khôi ngô lại thích khám phá, hiếu động đôi chút lì lợm. Ngày bố nó mất đi cuộc sống trở lên khó khăn hơn rất nhiều, mẹ nó làm lụng vất vả nhiều hơn, lúc bận mẹ nó phải gửi nó qua ông bà ngoại trông. Để rồi ông trời cũng không có mắt tai họa lại ập trên đầu nó, năm lớp Năm mẹ nó đã quyết định đi theo người khác mà bỏ lại nó cho ông bà ngoại. Ngày mẹ nó đi, tay chỉ kịp nhét vội vài chục bạc cho ông bà ngoại, hôn lên má nó một cái rồi bước lên chiếc xe cùng người đàn ông lạ mà đi thật xa, bỏ mặc những lời khuyên ngăn của bố mẹ mình. Bây giờ đã ý thức được rằng mẹ nó đã bỏ nó đi, không còn thương nó nữa, nó khóc nhiều lắm, buồn tủi nhiều lắm. Cuộc sống bỗng chốc thay đổi quá nhiều, bố nó mất, mẹ nó đi theo người khác đã để lại cho nó một vết thương lòng không thể nào lấp được. Hiểu được vậy ông bà ngoại thương nó nhiều lắm, bà ngoại sợ nó thiệt thòi, sợ nó thiếu vắng tình thương. Lúc nào bà cũng dành miếng ăn ngon cái mặt đẹp, trong thâm tâm bà nó mong muốn đứa cháu bất hạnh của mình được hạnh phúc vui vẻ.

          Nhưng miệng đời thì ai ai lường trước được điều gì, đã có những lời ra tiếng vào về thân phận của nó. Họ nói nó là đứa không cha, không mẹ chẳng có ai cho con cái của mình tiếp xúc với nó. Dần dần nó tách biệt với cuộc sống, nó nhớ ba và hận người phụ nữ đã bỏ rơi mình. Những điều đó như là nguyên nhân chính khiến sa đà vào con đường ăn chơi quậy phá. Từ đứa trẻ hiền lành, tốt bụng bây giờ nó đã thay đổi hoàn toàn!

          Suốt những năm học cấp Hai có lẽ là khoảng thời gian mà bà ngoại nó buồn rầu khổ tâm nhất. Nó ngỗ nghịch, học hành chểnh mảng, sa sút, suốt ngày theo lũ bạn tụ tập tại các quán game, bida.... Bảo ban khuyên nhủ nó bao nhiêu rồi cũng chẳng nghe, bà nó vừa lao lực, vừa lao tâm, bà luôn mong sẽ dạy dỗ cháu của mình nên người. Nhìn mẹ của mình tiều tụy, cậu ruột của nó không khỏi lo lắng:

          “Mẹ thấy không? Hi sinh cho nó bao nhiều, giờ nó có nghĩ đến mẹ đâu”.

          - Con đừng có nói vậy! Mẹ luôn mong thằng Nam nên người, nó đã quá bất hạnh rồi, con nói nó nghe mà buồn.

          - Nó mà cũng biết buồn hả mẹ! Từ khi nuôi nó thật sự chỉ là gánh nặng của bố mẹ mà thôi.

          Một cái tát tai như trời giáng xuống mặt cậu út nó, từ nhỏ đến giờ bà chưa hề đánh con. Nhưng hôm nay đứa con trai bà hết mực thương yêu lại phải ăn tát đau đớn.

          Nó vô tình nghe được câu chuyện của bà ngoại và cậu của mình mà buồn lắm . Nó lặng lẽ bước ra phía bờ kề gần đó trầm tư suy nghĩ chẳng khác gì ông cụ non. Cả đêm hôm đó, nó không thèm về nhà, nó ngủ lại nhà một đứa bạn, còn ông bà ngoại cứ lo ngủ không yên, suốt đêm đi tìm mà vô ích. Ngày hôm sau nó về thì bị bà ngoại đánh đòn nhưng nó vẫn cứng đầu chẳng lo sợ.

          Thời gian sau đó nó ăn chơi, quậy phá nhiều hơn, nó hay vòi vĩnh, xin tiền ngoại mình, đòi ngoại mua giày dép, quần áo mới ... Thương cháu không để cháu thiếu thốn bất kỳ thứ gì. Dù cho nhà khó khăn nhưng bà rán sắm sửa, ra ngoài nó chẳng thua bất kỳ ai. Bà vẫn hằng mong cháu mình sẽ nên người, sợ nó hư hỏng ...           Năm nó học lớp 11 nó nghe lời tụi bạn rủ rê bỏ học lên thành phố làm việc, bà khổ tâm vì nó khóc thâm cả mắt, khuyên nó mà cũng chẳng chịu nghe, nó cứ bảo là đi làm để phụ giúp ông bà ngoại, bà động viên rồi van xin nó đi học nhưng nó chẳng mấy suy nghĩ về lời bà. Nó lên thành phố làm lâu lâu mới về thăm ngoại. Mỗi lần cháu về bà vui như tết vậy, nấu món hủ tiếu gõ mà cháu mình thích nhất để nó ăn, giờ chuyện cũng đã đành ngoại chỉ biết bảo ban nó giữ gìn sức khỏe mà làm việc.

          Bây giờ, nó đi làm cũng được ba năm rồi, nhớ ngày ấy nó về nhà mua cho ngoại nó chiếc ti vi thật to, mua cho vài ký café chồn mà ông ngoại rất thích uống. Rồi cho ngoại vài triệu, ngoại thương nó làm vất vả không nhận, nó khăng khăng là tiền dành dụm được. Bà đâu hay là số tiền nó đưa cũng chỉ là phần rất nhỏ sau mỗi lần thực hiện xong phi vụ. Nó lên thành phố làm trong quán café lương cũng chỉ tầm vài triệu ba cộc ba đồng, nhìn tụi bạn trong quán làm chung lúc nào tiền cũng đầy túi thích tiêu gì tiêu, xài gì xài. Nó gặng hỏi, lân la mãi thì mới biết đêm đêm sau khi làm xong tụi nó đi rút ruột các công trình đang thi công cùng một nhóm đại ca. Thấy vậy nó xin được tham gia và được tụi giang hồ đồng ý, xử lý tình huống khá tốt, nên nhiều vụ trộm đã trót lọt đem lại vài chục triệu là ít cho nó, nó thấy tiền thì hoa mắt, cứ lao vào con đường tội lỗi mà không có lối ra. Bây giờ nó thấy cuộc sống sung sướng, không gò bó như ngày ở quê và nó cũng dường như lãng quên bà mình đang rất mong nhớ và lo lắng.

          Nhưng “đi đêm rồi cũng có ngày gặp ma” trong một lần khi đang thực hiện hành vi ăn trộm thì nó bị công an bắt, trong lúc chống trả nó đã đánh người bảo vệ của công trình gãy xương vai, đôi bàn tay nằm gọn trong chiếc vòng số 8 nó đã mường tượng về một quang cảnh đen tối của đời mình “Hết rồi, hết thật rồi”.

          Ông bà ngoại nó sốc ngã bệnh, tiều tụy hẳn đi vào thăm cháu bà buồn ưa ứa nước mắt “răng khờ dại vậy hả Nam”. Nó chỉ khóc mà chẳng nói được gì. Ngoại đau buồn rầu rĩ, ân hận vì không dạy dỗ cháu mình nên thân. Để cháu mình lao vào vòng lao lý...

                  Cả một đời tấm thân gầy nặng gánh hi sinh, nuôi dưỡng ấy vậy mà nó lại đáp đền cho ngoại mình đây sao? Những ngày đầu ngồi tù, nó không sao ngủ được nó nhớ ngoại, nhớ những món ăn ngon ngoại nấu, nhớ món hủ tiếu gõ của ngoại nữa, con ngỗ nghịch ăn chơi quậy phá, con hư quá phải không ngoại? ... Nó khóc như mưa, dằn vặt lương tâm, con người trên thế gian lúc nào cũng vậy, khi họ làm sai họ cứ nghĩ mình đúng cho đến lúc hiểu ra thì cũng quá muộn.

          Giờ đây nó đã ra tù, ngày nó ra tù nó còn buồn hơn là cái ngày bà ngoại nó đi xa. Nó trở về mái ấm ngày xưa, nơi mà nó với ngoại rau cháo qua ngày mà hạnh phúc, gian nhà quạnh vắng chỉ còn mình ông ngoại chăm lo hương khói, cậu nó thì cũng đi làm ăn xa thi thoảng gửi vài đồng về cho ông ngoại. Còn nó nghe phong phanh mẹ của nó đi vào tới tận Thanh Hóa để làm ăn, người dượng cũng khó khăn mà tách biệt không một lời liên lạc. Nó cũng suy nghĩ không biết có có quên mình quên quê hương bản xứ không?

          Mở cửa bước vào đập vào mắt là di ảnh của bà ngoại nó. Nó rưng nước mắt quỳ xuống “Ngoại ơi! Con về rồi đây, đứa cháu bất hiếu của ngoại về rồi đây! Con bất hiếu lắm phải không hả ngoại....” Ông ngoại sau hè lên ôm nó vào lòng, nó nói :

           -“Con bây giờ chẳng còn gì cả.”

          -“Con vẫn còn có ông đây, ông cháu mình nương tựa vào nhau mà sống nghe con.”

          Câu chuyện của nó làng xóm ai cũng biết họ cũng tận tâm giúp đỡ để nó hòa nhập với xã hội. Thời gian thấm thoát trôi đi, giờ đây nó cũng đã mở được một quầy hủ tiếu, nó đặt tên cho quán là quán “Ngoại tôi”, tiếng tăm hủ tiếu “Ngoại tôi” ngày càng được nhiều người biết đến, họ đến đây ủng hộ vì hủ tiếu rất ngon và một phần sự trưởng thành của nó. Ai cũng thấy vui, thấy mừng do cuốc sống của hai ông cháu hiện tại. Còn bây giờ có chỉ nghỉ là phụng dưỡng ông ngoại mình đến cuối đời mà thôi.

          Hôm nay, trong xóm có tổ chức bửa tiệc liên hoan, nhân ngày gia đình Việt Nam. Nó lên góp vui chương trình văn nghệ trong bộ đồ lịch sự, khuôn mặt điển trai....

          Nó hát bài “bà tôi” :

          “Bà tôi đưa tôi ra đầu làng, một mình bà đội cả đời nắng to

          Này là gió cuốn mây trôi đưa tôi về làng            

          Này là bóng nng liêu xiêu theo tôi về làng

          Làng tôi quanh co quanh, co quanh co, quanh co...”

          Nước mắt nó rơi tự lúc nào. Bài hát chất chứa nhiều nỗi niềm…

           Đêm nay nó lại thức khuya, lại suy nghĩ về mọi chuyện đã xảy ra ... Ánh trăng vàng rực rỡ tỏa rạng. Chưa bao giờ nó nhận ra quê hương mình lại đẹp đến vậy. Những ngọn gió mát lành của đêm thanh vắng thổi qua như những lời nói dịu ngọt của bà nó ngày xưa vậy! Cảm giác bình yên đến lạ.Nó chợt thấy có một vì tinh tú cứ lấp lánh giữa bầu trời đêm. Hình như đang dõi theo từng bước chân của nó. Lại nhớ ngoại nữa rồi!

               Ngoại ơi!

                                                                                    


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: