Trang chủTin tứcTin từ InternetGIỚI THIỆU SÁCH: Chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCSHCM

GIỚI THIỆU SÁCH: Chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCSHCM

  • PDF.InEmail

Chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCSHCM, Thư viện trân trọng giới thiệu đến bạn đọc Nhật ký MÃI MÃI TUỔI HAI MƯƠI của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.

MAUTIMHOAMUA

MÀU TÍM HOA MUA (Liệt sĩ NGUYỄN VĂN THẠC)

Cứ mỗi lần hành quân qua đây

Lòng tôi lại nhớ em da diết!
Màu tím hoa mua chẳng phải chưa hề biết
Nhưng bây giờ tôi mới hiểu màu hoa
Chẳng dấu lòng, chẳng phải giấu lòng ta
Tôi biết cô gái nào chẳng khóc
Khi đưa tiễn người con trai thân nhất
Hoa tím chín chiều nói hộ lòng anh
Không dừng lại đâu giữa đất nước mông
mênh
Tôi cúi xuống với cành hoa lặng lẽ
Màu hoa tím như chưa bao giờ tím thế
Cánh mỏng cánh mềm mát ngón tay ta.
Những điều lớn lao trên đất nước bao la
Vẫn không quên niềm riêng nhỏ nhất
Chung thủy nhất là mối tình của đất
Mỗi màu hoa đều thấm đượm tình người.
Tôi đã đi rất xa em rồi
Chẳng dễ về thăm em trong phố nhỏ
E ấp cánh hoa mua vào trong sổ
Tím lòng mình và tím cả lòng em,
Đường tôi hành quân trong đêm
Hoa đã lẫn vào màu trời tím biếc
Có nhìn thấy hoa đâu mà tôi vẫn biết
Hoa mùa hè nhuộm tím cả trời mây
Em ở đâu rồi. Bâng khuâng kẽ tay
Tháng năm, tháng năm hẹn về thăm vườn nhỏ
Câu thơ chép tay nôn nao ý nghĩ
Hoa tím chẳng lắm lời như những dòng thơ.
Tiếng hát ai đằng sau bang quơ
Tôi ngoái lại chào hoa lần nữa
Rừng vắng lặng ...mà tôi cứ ngỡ
Có đôi bạn nào mới đón đưa nhau
(Trích Nhật kí MÃI MÃI TUỔI HAI MƯƠI - NXB Thanh niên, năm 2005)

Lời bình: MỘT MÀU HOA - MỘT TÌNH YÊU
(Bài thơ Màu tím hoa mua của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc)
(Bài bình đã đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại năm 2014)
Đọc Mãi mãi tuổi hai mươi (của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc), bên những dòng nhật kí viết lên từ gan ruột của người lính trẻ còn có những vần thơ cháy bỏng, thiết tha. Đọng lại trong tôi là Màu tím hoa mua – Một "bài thơ nho nhỏ" mà liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã "làm vội vàng dọc đường hành quân qua đất Quảng Bình" vào tháng 5 năm 1972. Bài thơ viết về những cánh hoa rừng với một màu sắc và hương vị rất thơ mộng, trữ tình. Thương rằng, cũng vào năm 1972, trong một trận đánh ác liệt bên Thành cổ Quảng Trị, người lính trẻ Nguyễn Văn Thạc bị trọng thương và đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi hai mươi – độ tuổi vô cùng trẻ trung, nhiệt huyết. Càng biết ơn người liệt sĩ ấy càng thêm trân quý tuổi trẻ và tình yêu, càng hiểu rằng không nên sống hoài, sống phí...
Ai đã từng yêu mến bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan, nay đọc Màu tím hoa mua của Nguyễn Văn Thạc, sẽ nhận thấy có sự gặp gỡ giữa hai hồn thơ. Hai loài hoa bè bạn, hai loài hoa có sắc tím thủy chung, tím cả đợi chờ. E rằng, dẫu người khó tính cũng khó mà làm ngơ trước một màu hoa, loài hoa sơn dã đáng yêu như thế. Những cánh hoa mua dịu nhẹ, hoang sơ gắn với những triền đồi quen thuộc đã chạm vào trái tim người lính trẻ. Tôi đã làm thử phép đếm và nhận ra trong Màu tím hoa mua, có đến mười từ "tím", đủ để hiểu tác giả yêu sắc tím đến độ chín muồi. Tôi cũng đã yêu tha thiết sắc tím và không khỏi bồi hồi trước tâm tình của chàng trai lứa tuổi hai mươi. Từ những cánh hoa mua thơ mộng, trữ tình, Nguyễn Văn Thạc đã gói gém tình yêu riêng hòa trong tình yêu đất nước, để lời thơ cứ mộc mạc, chân thành.
Bài thơ đã mở đầu về một cuộc hành quân và hé mở một điều khiến người đọc thắc mắc, băn khoăn. Tại sao:

Cứ mỗi lần hành quân qua đây
Lòng tôi lại nhớ em da diết

Câu thơ thứ ba mới vỡ lẽ rằng:

Màu tím hoa mua chẳng phải chưa hề biết
Nhưng bây giờ tôi mới hiểu màu hoa

Thì ra, chính màu tím hoa mua đã níu chân người lính trẻ. Màu hoa ấy khiến tôi nhớ em da diết. Có thể em là cô gái rất yêu màu tím. Người ta thường nghĩ rằng mọi thứ mới lạ mới đem đến sự hấp dẫn. Ai hay, loài hoa dại vươn lên trong nắng gió, loài hoa vốn quen thuộc đã mang đến cho tâm hồn người lính sự thú vị, bất ngờ. Nhân vật tôi đi tìm cái lạ giữa cái quen chăng? Rõ ràng, tôi chẳng phải chưa hề biết về màu tím hoa mua nhưng lạ thay, đến bây giờ tôi mới hiểu màu hoa. Nhà thơ chân thật thú nhận "thiếu sót" và cũng là để khẳng định từ "biết" đến "hiểu" là cả một quá trình. Bất chợt hiểu rồi, tôi có cảm giác bồn chồn khó tả:
Chẳng dấu lòng, chẳng phải giấu lòng ta
Tôi cảm thông cảnh cô gái nào chẳng khóc khi đưa tiễn người con trai thân nhất. Điệp khúc chia tay hay gắn với nỗi buồn. Đấy cũng là lúc người ta thường "Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay" (Tố Hữu). Dẫu biết chàng trai trong thơ đang sống ở thời điểm lịch sử "Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau". Song dường như trước giọt nước mắt nóng bỏng của người yêu trong giây phút chia tay, chàng trai tựa hồ bối rối, chỉ biết nhờ:
Hoa tím chín chiều nói hộ lòng anh
Lẽ ra, anh sẽ nói với em nhiều điều nhưng khi tình yêu lên tiếng, sự im lặng này chứa đầy ý nghĩa. Hoa nói hộ tình anh mặn mà, chung thủy, tím ngát chín chiều dành trọn riêng em. Có cô gái trong Hương thầm (Phan Thị Thanh Nhàn) cũng đã từng:
Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
...
Nhờ hương thầm nói hộ tình yêu
Hướng về em, tôi hiểu rằng:
Không dừng lại đâu giữa đất nước mông mênh
Tôi hòa chung tình riêng trong tình chung đất nước, hòa cái nhỏ nhoi với cái khôn cùng, để nhẹ nhàng cúi xuống với cành hoa lặng lẽ mà thấm thía sự thật:
Màu hoa tím(1) như chưa bao giờ tím (2) thế
Hai chữ tím cùng một dòng thơ chất chứa nỗi niềm trăn trở, suy tư. Vì đâu màu hoa lại như chưa bao giờ tím thế? Chữ tím (1) chỉ sắc màu dịu dàng của loài hoa mua, còn chữ tím(2) ắt hẳn là màu tâm trạng của chàng trai lứa tuổi hai mươi, trên đường hành quân qua tuyến lửa?
Khoảnh khắc bình yên hiếm hoi đủ để tâm hồn anh hòa vào thiên nhiên, tìm cảm giác ngọt lành của cuộc đời thường với cánh mỏng cánh mềm mát ngón tay ta. Một lần nữa, anh rút ra vẫn đề có tính triết lí
Những điều lớn lao trên đất nước bao la
Vẫn không quên niềm riêng nhỏ nhất
Chung thủy nhất là mối tình của đất
Mỗi màu hoa đều thấm đượm tình người.
Tình đôi ta nói riêng và tình đất nước, tình người nói chung luôn sánh bước bên nhau. Có lẽ, chính sự hài hòa ấy đã làm nên sức sống của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Giọng thơ chợt chuyển sang trầm lắng, tiếc nuối:
Tôi đã đi rất xa em rồi
Chẳng dễ về thăm em trong phố nhỏ
Tôi chỉ còn biết nhớ em và nâng niu:
E ấp cánh hoa mua vào trong sổ
Tóm lòng mình và tím cả lòng em
Giờ đây sắc tím hoa mua thấm sâu tâm hồn. Tím lòng anh, tím lòng em, tím những nỗi niềm chưa ai nói hết. Để bây giờ thảng thốt: mình đã xa em! Trên con đường hành quân trong đêm, tôi tìm hoa, ngắm hoa bằng cả trái tim mình:
Hoa mùa hè nhuộm tím cả trời mây
Hương sắc đằm thắm của một loài hoa dân dã đã nhuộm cả không gian trời mây bao la. Sắc hoa xen lẫn sắc trời. Giữa khoảng mênh mông đó, tôi khẽ nhủ lòng:
Em ở đâu rồi. Bâng khuâng kẽ tay
Cảm xúc luyến tiếc, nhớ thương đan lẫn làm lòng ngẩn ngơ. Qủa thật, thi nhân đã khéo léo diễn tả cảm xúc tinh tế vừa ở sâu thẳm tâm hồn vừa thể hiện rất thực qua từng kẽ tay. Dường như cái cầm tay ngày ấy còn giữ lại dư vị ấm nồng. Để rồi càng nhớ em, tôi càng xốn xang lời hẹn
Tháng năm, tháng năm hẹn về thăm vườn nhỏ
Nơi đó, tôi tin có em đang chờ. Bởi chưa về được bên em nên:
Câu thơ chép tay nôn nao ý nghĩ
Tôi lại làm phép so sánh và trách yêu rất thật:
Hoa tím chẳng lắm lời như những dòng thơ
Chắc tại lòng tôi nôn nao ý nghĩ nên dòng thơ bỗng lắm lời hơn hẳn loài hoa. Chợt tiếng hát ai đằng sau bâng quơ kéo tôi về thực tại. Khi đôi chân sắp xa vùng đất đậm sắc màu hoa mua, tôi lưu luyến ngoái lại chào hoa lần nữa. Tưởng rồi thôi, ai dè tôi tiếp tục hành trình vào cõi mộng:
Rừng vắng lặng...mà tôi cứ ngỡ
Có đôi bạn nào mới đón đưa nhau
Lời thơ đem đến cho bạn đọc một cảm giác mơn man trong niềm vui, hạnh phúc. Không phải cuộc tiễn đưa mà là đón đưa nhau hướng về ngày thống nhất. Đấy là những cảm xúc chân thành, lãng mạn và cũng là nỗi niềm khát vọng của chàng trai đất Hà thành khi hướng đến tương lai...
Trong thơ có đến mười lần tác giả dùng từ tím. Điều đó tạo nên ấn tượng mạnh về một gam màu đáng yêu của một loài hoa dân dã mà xao xuyến lòng người. Ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi, hình tượng thơ đẹp với độ hàm súc cao...Thú thật, tôi không khỏi xúc động trước những vần thơ cháy bỏng tình người của chàng trai tuổi hai mươi – Nguyễn Văn Thạc – trong tháng ngày khói lửa. Cảm ơn người liệt sĩ ấy đã hiến dâng cho đời niềm vui và lẽ sống hôm nay, để mỗi chúng ta hãy nhìn lại mình và nhớ rằng "Điều quan trọng không phải là bạn sống bao lâu mà là bạn sống như thế nào". Tôi tin "Mình làm được và bạn cũng thế!"

P/s: Hãy đến với Thư viện Trường THPT Duy Tân để đọc trọn vẹn Nhật kí Mãi mãi tuổi hai mươi của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc bạn nhé!
HOÀNG THỦY


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Banner liên kết

solienlacdientu
tracuudiemthi
ooffice so
truonghocketnoi
thongbaonhatruong
kehoachnhatruong

Gallery ảnh

Thống kê

Các thành viên : 10
Nội dung : 440
Liên kết web : 17
Số lần xem bài viết : 393582
Hiện có 31 khách Trực tuyến