MỘT LỐI TỎ TÌNH MỘC MẠC NÊN DUYÊN

Mình nói với ta mình hãy còn son

                                              Ta đi qua ngõ, thấy con mình bò

                                                Con mình những trấu cùng tro

                                              Ta đi gánh nước tắm cho con mình

                                                        Con mình vừa đẹp vừa xinh

                                              Một nửa giống mình, nửa lại giống ta.

                                                                                     (Ca dao)

Lời bình:             MỘT LỐI TỎ TÌNH MỘC MẠC NÊN DUYÊN

                 (Đăng báo Thế giới trong ta số 129 - năm 2001

       Bài viết dạt giải Nhì được đăng tại số 137- năm 2002- mục Tổng kết cuộc thi bình ca dao)

 

     Tình yêu vốn là đề tài muôn thuở. Thế nhưng, thử xem đã mấy ai đồng nhất được định nghĩa tình yêu? Và lời tỏ tình xưa nay mấy ai đếm đủ? Tôi không dám mạo muội góp thêm lời ngỏ riêng vào cái chung của thiên hạ, chỉ mong mình cảm nhận được nét duyên trong lối tỏ tình ở bài ca dao Việt Nam

                                                                Mình nói với ta mình hãy còn son

                                                             Ta đi qua ngõ, thấy con mình bò

                                                                 Con mình những trấu cùng tro

                                                             Ta đi gánh nước tắm cho con mình

                                                                  Con mình vừa đẹp vừa xinh

                                                           Một nửa giống mình, nửa lại giống ta.

     Với những ai yêu mến ca dao, nhất là ca dao về tình yêu đôi lứa, thì mô tiếp “mình- ta” quá ư quen thuộc. Lối xưng hô này nghe ngọt ngào, tình cảm làm sao!

     Tiếp cận bài ca dao, người đọc dường như không thấy sự gọt giũa cầu kì của ngôn từ. Bởi thế, ngay câu đầu tiên nó gần với lời ăn tiếng nói dân dã, đời thường:

                                                              Mình nói với ta mình hãy còn son.

     Câu thơ hé mở cho người đọc một cách hiểu: Chắc chắn giữa “mình- ta” đã có dạo tâm tình, trò chuyện cùng nhau; để đọng lại trong "ta” đôi chữ “còn son”. Chẳng lí gì “ta” không có quyền tin “mình” vẫn trẻ trung và tin rằng: “vườn hồng” một lối đang bỏ ngỏ chờ ai? Vậy hỏi trước “mình”, “ta” không yêu sao được?

      Rồi niềm tin của “ta” tưởng chừng bị tổn thương khi “Ta đi qua ngõ thấy con mình bò”. Đúng là “ta” nghe một đường nhưng “ta” chứng kiến lại là một nẻo đối nghịch. Sự thật trớ trêu quá chăng? Quay về câu thơ mở bài, người đọc cảm nhận đó vừa là lời tâm sự vừa là lời trách cứ của “ta” dành cho “mình”. Trách sao “Mình nói với ta mình hãy còn son”, cớ sao “Ta đi qua ngõ thấy con mình bò”. Nếu không yêu thương “mình” thì “ta” trách làm gì cho nhọc công vô ích? Qua lời bộc bạch của chàng trai, thì ra “mình” đã dối “ta” rất ngọt. Liệu mình muốn đùa với tình yêu hay thực lòng "mình” đã có ý thương “ta”, chờ “ta”? Bỗng dưng, tôi cảm thông cùng lời dối ấy. Đương nhiên, có chút gì đó ngậm ngùi thay cho chàng trai. Có lẽ, không ai không xót xa khi người yêu mình đâu vẹn nguyên như niềm mong ước. Vấn đề là khi yêu, người ta có biết tha thứ để sống tốt cho nhau hay không? Tôi nhận ra tín hiệu tình yêu được khởi nguồn từ cá nhân “mình” và “ta”. Vì thương “ta”, “mình” đành phải dối lời (chứ có dối lòng đâu mà ngại) . Và vì yêu “mình” nên “ta đi qua ngõ” như thăm dò ý tứ. Ta lại tự nguyện “đi gánh nước tắm cho con mình” khi thấy “con mình những trấu cùng tro”. Lời thơ, ý thơ chợt bừng sáng bởi những gì ta đã làm được. Đáng khen chàng trai biết vượt lên hoàn cảnh trớ trêu để dành trọn vẹn tình yêu cho cô gái - dẫu có lần trái tim cô lỗi nhịp. Gìơ nhớ lại lời cha ông từng bảo: “Yêu nhau củ ấu cũng tròn”. Tôi mới ngẫm thật chính xác.

     Điểm qua những việc ta đã làm, người đọc dễ nhầm tưởng con “mình” cứ như là con “ta”. “Con mình vừa đẹp vừa xinh”, hỏi tâm “ta” không quí sao đành? Ngạc nhiên nhất là khi “ta” buông lời nhận xét có vẻ hồ đồ về đứa trẻ: “Một nửa giống mình, nửa lại giống ta”.

     Nên chăng, người đọc hãy hiểu và cảm thông giùm “ta”. Bởi yêu “mình”, “ta” yêu những gì “mình” yêu. “Ta” khát khao đứa con “Một nửa giống mình, nửa lại giống ta”. Ta muốn tạo sự gắn bó, đồng điệu tâm hồn với “mình”. Ta chẳng hề đem tình yêu lên bàn cân đong đếm để xem cái “son” của “mình” thật giả, đến đâu. Điều này quả là đáng trọng!

     Càng bước vào ngưỡng cửa tình yêu, “ta” càng được điểm sáng bởi lòng vị tha, độ lượng. “Ta” hoàn thiện mình hơn và tất nhiên “ta” thật đẹp, cái đẹp mặn mà chân chất! Và nữa,  tôi nhận ra lời dối của “mình”cũng tô thêm nét duyên quê đằm thắm - Một lối tỏ tình bạo dạn hiếm thấy nơi giới nữ!

     Nhìn tổng thể bài ca dao, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bước đầu tôi những tưởng cô gái ấy “còn son” đúng nghĩa, nào hay cô đã có con thơ. Những tưởng đứa bé làm nới rộng khoảng cách giữa “mình” và “ta”. Ai ngờ nó là nhịp cầu để “ta”- “mình” xích lại gần nhau. Âu họ tìm được hạnh phúc trong tình yêu đích thực.

       Lời ca dao khép lại mà  dường như ý vẫn âm vang. Tôi tin tình yêu của “mình” và “ta” sẽ lên ngôi. Hoặc ít ra, tôi có quyền cầu mong, phép nhiệm màu tình yêu đưa họ đến bờ hạnh phúc… 

 

Hoàng Thủy

GV THPT Duy Tân, Tam Kỳ, Quảng Nam


Tin mới hơn: