TƯƠNG TƯ - KHỞI NGUỒN MỘT TÌNH YÊU

Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề...
( Trích Ca dao yêu thương tình nghĩa - sách Ngữ Văn 10 – tập 1- Trang 82 - Chương trình chuẩn - NXBGD năm 2010)
Chúng ta biết rằng, tình yêu vốn là đề tài muôn thuở. Gặp gỡ, yêu thương rồi đến tương tư là những bước đi quen thuộc trong tình yêu lứa đôi. Những cung bậc tình cảm, ngõ ngách yêu đương, nỗi lòng tương tư trong thơ ca nói chung và ca dao nói riêng là muôn màu muôn vẻ. Dẫu cho xã hội phong kiến xưa có lắm khắc nghiệt với tình yêu, nhất là với người phụ nữ, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: khi tình yêu lên tiếng thì sự khát khao tình yêu lứa đôi sẽ bùng cháy trong từng nhịp đập trái tim tuổi trẻ, bất kể đó là chàng trai hay cô gái . Tiếp cận bài ca dao "Khăn thương nhớ ai,...", tôi thấy mềm lòng trước sự sẻ chia tâm tư, tình cảm chân thành của người con gái về một tình yêu mà chị hằng ấp ủ.
Trước hết, đó là nỗi nhớ da diết, chân thành về người yêu thương. Qủa đúng là bút thử màu của tình yêu chính là nỗi nhớ! Sự nhớ nhung của chị ấy không dễ gì che dấu được. Hình ảnh khăn, đèn, mắt đã nói lên điều đó. Khăn vốn là biểu tượng của tình yêu, là kỉ vật tình yêu. Khăn thương nhớ ai hay lòng người thương nhớ ai? Khăn vô tình "rơi xuống đất" hay người thẫn thờ để vội rơi khăn? Việc điệp lại cả câu thơ "Khăn thương nhớ ai" khắc sâu nỗi nhớ trong tâm hồn người con gái đang yêu. Trong sáng, chân thành và cũng mãnh liệt, dồn dập xiết bao khi cô gái đã không kìm được nội tình mà để tuôn rơi nước mắt. Điều này khiến tôi nhớ đến lời ca dao:
Nhớ ai em những khóc thầm,
Hai hàng nước mắt đầm đầm tấm thân.
Không dừng lại ở đó. Nỗi nhớ thương còn gắn liền sự trằn trọc, thao thức. Tâm tư, tình cảm của người con gái tiếp tục được tác giả dân gian khéo léo bộc lộ qua hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng là đèn và mắt:
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Cảm rồi đi đến hiểu thơ, người đọc chợt hình dung vài nét vẽ về chị - giữa bức tranh khuya tĩnh lặng, bên một ngọn đèn, một người con gái với đôi mắt đăm đắm trong đêm như ngọn đèn "không tắt" và mắt "ngủ không yên" bởi thao thức, đợi chờ tình yêu. Chắc rằng, phải yêu thật lòng, mãnh liệt thật lòng thì chị ấy mới trằn trọc sống hết mình với tình yêu dành cho người ấy như thế!
Một điều lạ là càng sống hết mình cho tình yêu, người con gái trong thơ lại không sao tránh khỏi những lo phiền rất ... con gái:
Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề...
Qủa thực, đây là điểm sáng thể hiện được vẻ đẹp của chị mà cũng là nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam: Luôn lo lắng, vun đắp tình yêu hạnh phúc. Chúng ta biết rằng: tình yêu thuộc vào phạm trù tình cảm trừu tượng, là tâm tình hiến dâng. Nói như nhà thơ Tago:
(Trái tim anh lại là tình yêu)
Nào ai biết được chiều sâu và bến bờ của nó
Em là nữ hoàng của vương quốc đó
Ấy thế mà em có biết gì về biên giới của nó đâu...
(Bài thơ số 28)
Thực tế, khi con người ta càng trân trọng tình yêu thì thường mang tâm lý lo lắng, sợ tình yêu vụt mất. Người con gái trong thơ cũng không ngoại lệ. Dường như ban đầu, chị cố kìm nén cảm xúc nhưng đến lúc tình cảm lấn át mãnh liệt, chị đã không ngại bật ra nỗi âu lo trỗi dậy trong lòng. Nói ra điều này cũng là cách chị thấy mình có trách nhiệm vun đắp, gìn giữ tình yêu hạnh phúc. Chị lo không yên một bề bởi tình yêu trong xã hội phong kiến còn gặp nhiều ngáng trở. Yêu thương đó nhưng liệu có đến được cùng nhau để xây đắp một hạnh phúc trọn vẹn? Trong tiếng lòng yêu thương của chị dường như có cả phút than thân trách phận của người phụ nữ ngày xưa...Là người ngoại cuộc nhưng cảm và thương quý người con gái ấy, tôi tin rằng chị sẽ đến được với tình yêu trong sáng, chân thành mà mình hằng ấp ủ.
Khép lại bài ca dao, khép lại chuyện tình cảm của một người nhưng cũng là hé mở bài học cho mỗi chúng ta khi đến với tình đời, tình yêu. Rất cần lắm những phút giây tương tư trong sáng, chân thành và mãnh liệt để khởi nguồn cho một tình yêu bền vững...(Tạp chí TGTT số 434 tháng 7 năm 2014)

Hoàng Thủy


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: