BÀI DỰ THI SỐ 14

MÙI HOA GIẤY

 

Ngày xưa đó, ngày nó và tôi còn chung lớp chung trường. Cùng nhau lớn lên, với những kỉ niệm vui có, buồn có, giận dỗi rồi lại huề nhau trong vô thức. Đối với nó, tôi là người bạn thân đến bấy giờ. Ngày ấy, nó vui vẻ biết bao nhiêu. Tình bạn đó, đã từng rất đẹp, rất rất đẹp.

Tôi và nó đã vô tư lớn lên cùng nhau, cùng đi qua những ngày đẹp nhất của một thời khăn quàng đỏ thắm. Những kỉ niệm làm sao kể hết, những tiếng cười hồn nhiên của nó, nhớ lắm, nhớ đến tiếc nuối. Tình bạn đó, với tôi sâu đậm và đẹp đẽ biết bao.

Nó lúc nào cũng quấn lấy tôi cứ như “cái bóng” vậy. Hầu như trong lớp nó không mấy nói chuyện với ai ngoài tôi, mọi người bảo nó trầm, ít nói quá. Nhưng sau cái lần làm mấy đứa cười phì đến độ vài đứa phải bò lăn ra vì những mẫu chuyện hay trò hề của nó. Ngay cả tôi, cái đứa dính với nó suốt bấy lâu cũng không ngờ được. Và từ đó, cái biệt danh “cây cười” được mọi người in lên người nó. Nhưng kể từ cái ngày cả lớp tìm ra điểm hấp dẫn từ nó cũng là cái ngày nó bắt đầu trở thành tâm điểm cho những truyện cười, những trò hề ngộ nghĩnh. Nó ít để ý tới tôi hẳn, điều đó không phải điều làm tôi lo lắng mà chính sự xuất hiện của các cô cậu lớp 9A3. Tụi nó trong trường này được hai cái đặc biệt mà ai cũng biết. Thứ nhất là học tệ nhất, thứ hai là quậy phá nhất. Và hôm nay, sự hiện diện của chúng bên “cây cười” thật sự làm tôi lo ngại nhiều phần. Cùng đã nhiều lần tôi nhắc chừng nó về tụi kia, nhưng nói đến nó cứ đơ cái mặt hột mít của nó ra cười phì rồi ừ ừ vài ba tiếng cho qua chuyện. Tưởng nó hiểu chuyện nên tôi cũng thôi không nói nữa.

Nhớ hôm đó cũng đã là ngày thứ hai liên tục nó vắng mặt ở lớp, ngồi trong lớp mà lòng cứ thấp thỏm lo âu, chỉ đợi cho tiếng chuông tan trường vừa kêu lên chưa dứt tiếng vang tôi đã với ngay chiếc cặp xách phóng ngay tới nhà nó. Nhà nó cũng bình thường, được cái bên ngoài cổng trang trí giàn hoa giấy tuyệt đẹp mà lúc nào đến chơi tôi cũng tiện tay ngắt vài bông. Và đó cũng chính là lý do duy nhất nó cấu với tôi, những lúc như thế nó là thứ nguy hiểm nhất khu vườn để bảo vệ giàn hoa giấy kia. Bố mẹ nó mất từ lúc nó còn nhỏ, họ hàng cũng chả có ai, nó ở với bà. Đôi mắt bà nó ngày càng mờ nên mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều một tay nó hết. Tôi biết mọi ngóc ngách trong nhà nó, kể cả chìa khóa nhà để đâu tôi cũng biết. Tôi tiến đến từ từ mở cánh cổng ra tránh để không làm rớt một bông hoa giấy nào. Tiếp theo là cánh cửa nhà phía trong, bà nó biết là tôi đến nên vội vàng ngồi dậy hỏi thăm bằng giọng run run:

“Nam đến chơi đấy hả cháu.”

“Dạ, là con đây bà.” Tôi vừa nói vừa vội chạy lại đỡ bà dậy. Bà nheo nheo cặp mắt lại vuốt tay tôi bà nói:

“Thế cháu kiếm thằng Minh à! Lúc sáng hình như có ai kiếm nó, ồn lắm bà không nghe rõ được. Rồi một lát nó cũng đi luôn tới giờ chưa về.”

Đỡ bà ngồi đoàn hoàn xong tiện tay xuống thẳng dưới bếp xới hẳn cho bà một bát cơm miệng lẻm bẻm, cười cười nói lên:

“Thôi bà chả việc gì phải lo cho nó, lớn đầu rồi chứ có còn phải con nít nữa đâu.”

Đó chỉ là những lời trấn an bà thôi, thật sự người đang lo lắng nhất chính là tôi. Có bao giờ nó bỏ học như vậy, càng không đi đâu mà không nói với tôi cả, đúng là một chuyện lạ. Tôi vội vàng đưa bát cơm cho bà rồi chào ra về. Tôi xách xe đi hết các đoạn đường mà tôi nghĩ nó có thể đến, hỏi thăm những người mà tôi nghĩ nó có thể gặp. Nhưng tất cả chỉ là con số không. Đành ngậm ngùi quay đầu đi về, vừa băng qua khỏi cái ngã ba đầu hẽm tôi bắt gặp nó đang đi về, tôi chạy vọt lên bên nó. Thật ra lúc đó trong tôi đang chứa đựng hàng chục, hàng trăm câu hỏi dành cho nó nhưng khi nhìn lại bộ dạng phờ phợt của nó lúc này tôi đành cất xấp câu hỏi kia vào lại. Tôi đưa nó về đến cổng, nó đẩy cổng vào mặc cho những bông hoa giấy mà nó gìn giữ rơi vãi ra sân, tôi còn chưa kịp bước vào nó đã ngăn lại, bảo là hôm nay hơi mệt nên muốn nghĩ ngơi. Dứt câu nó quay lưng đi vào trong, tôi chỉ kịp vội cuối xuống khe cửa ngoài cổng nhắc chừng nó ngày mai có vài bài kiểm tra. Nó đóng sầm cửa lại mặc cho tiếng vọng của tôi vang nhẹ trong gió. Quay lưng dắt xe đi về chưa được mười bước chân bỗng từ phía nhà nó, nó tông cửa chạy ra với vẻ mặt hớt hải, nó chạy lại tôi nhưng chưa nói được từ nào, nhìn bộ dạng nó quýnh lên làm tôi vừa tò mà vừa quýnh theo nó. Cố bình tính lại tôi cầm tay nó hỏi xem có chuyện gì, cái bình tĩnh mà tôi vừa cố lấy lại chưa được năm giây, nó bảo bà nó đi đâu mất rồi, không thấy trong nhà. Bốn con mắt tròn xoe nhìn nhau, khoảng thời gian đủ cho một cái suy nghĩ cũng không có. Tôi vội lôi nó đi, chúng tôi kiếm từng ngóc ngách, từ những bụi cây nhỏ đến bãi đất trống hay thậm chí là nghĩa địa cũng không bỏ qua. Hai đứa đang vòng vòng ra ngoài đường quốc lộ mong kiếm được tia hy vọng thì thấy một đám người vây quanh chỉ chỉ rất đáng ngờ, tôi còn chưa kịp nói gì nó đã kéo tôi phi ngay lại đám đông. Hai đứa phải mất độ chừng ba mươi giây để chen lấn giữa đám người, vào tới nơi bỗng khoản không gian xung quanh như thu hẹp lại hết cỡ đến tận con tim chúng tôi, chỉ có mỗi tiếng kêu vang vọng kéo dài trong đau khỗ “Bà…”. Tôi nhìn thấy một người phụ nữ đang nằm đó, nó ôm lấy người phụ nữ kia gào lên như một gã điên. Những giọt nước mắt đã mọng nước lên chỉ chờ một cái chớp mắt của tôi là chúng thi nhau rơi xuống. Thế nhưng, chúng như không thể rơi xuống vì lí trí vội vàng trong tôi vừa cho tôi biết tôi còn những thứ cần lo, cần làm giùm người bạn kia của tôi, cái gã đang ôm khư khư cái quý giá nhất trong cuộc đời gã vào lòng.

Tang lễ của bà cũng chả mấy ai họ hàng, vừa xong mọi người vãng đi nhiều, căn nhà lại vắng vẻ hơn. Nó vẫn không nói gì kể từ hôm qua, nhưng tôi bắt gặp nó bắt đầu làm quen với điếu thuốc, lúc đầu tôi chỉ đám đứng bên nó, chưa muốn đề cập đến vấn đề điếu thuốc lúc này vì tôi nghĩ nó đang căng thẳng hết mức. Nhưng càng lúc tôi thấy mùi khói thuốc khét hơn tôi nghĩ, có lẫn mùi khác khó chịu hơn nhiều. Tôi hỏi thì nó làm lơ, có vẻ rất đáng nghi, nhưng cũng là ngày buồn nên tôi để bụng lúc khác hỏi cũng được. Tôi nghĩ đây là lúc tôi cần bên nó nhất thì nó lại bảo tôi về, thế là tôi về. Tiễn tôi ra tới cổng, lần này tự tay nó ngắt một bông hoa giấy đặt vào túi áo tôi. Đôi mắt nó lúc này buồn đến kì lạ, nó như muốn nói gì đó nhưng tôi không tài nào đọc ra được. Tôi dắt xe ra về, nó thì cứ đứng đó nhìn tôi cho đến lúc chỉ còn lại cái bóng mờ mờ được lão mặt trời rọi lên.

Hôm sau là chỉ nhật nên tôi đã dậy sớm hơn thường ngày rất nhiều. Năm giờ sáng bánh xe tôi đã dừng trước cổng nhà nó, lần này cũng như mọi khi, tôi nhẹ nhàng mở cánh cổng ra cố nhẹ nhàng ngăn không cho rớt thêm một bông hoa nào. Tôi tiếng vào bật điện lên, căn nhà hiu hắt đến phát sợ, nó không có ở đây tôi chỉ thấy một bức thư trên bàn được đè lại bằng một chiếc ly ngăn không cho gió thổi đi mất. Tôi vội vã bóc thư ra đọc, cả người tôi như chết lặng khi vừa liếc nhìn hàng đầu tiên của lá thư: “TỚ BỊ HIV CẬU À. TỚ…”. Tôi không tin vào mắt mình được nữa, đó là sự thật ư? Tôi đưa mắt sang bàn thờ bà, nến nhang còn đang tỏa khói. Tôi biết nó chỉ mới vừa đi thôi, tôi vội vã phóng xe nhanh hết mức đến ga. Cửa tàu đã đóng kín chuyến tàu đầu ngày sắp sửa lăn bánh, tôi men theo những ô cửa sổ nhỏ trên khoan tàu. Tôi thấy nó ngồi đó úp mặt vào chiếc balo nhỏ mang theo. Tôi chạy đến đập vào ô cửa kín gào tên nó như cái gã điên từng làm trước mặt tôi, nó vội lau hàng nước mắt trên má nhìn tôi, tôi nhìn nó, không một lời nào nữa. Tôi hiểu cảm giác của nó, từ từ móc trong túi áo ra bông hoa giấy nó đưa cho tôi trao cho nó, nó thò tay ra khỏi cửa nhận lấy. Cũng là lúc con tàu chuyển bánh, nó thò luôn cả đầu ra thét lên: “Đợi tớ, tớ sẽ về”, con tàu lao nhanh về phía trước mặc cho tôi đứng đó với hai hàng mi ướt đẫm. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi khóc vì nó …..

Và ngày hôm nay là ngày bế giảng năm học 12 của tôi, cái ngày tôi bận rộn nhất giữa đám bạn, thầy cô. Tôi không còn nhớ cái mùi Comfor một lần xã hương ban mai tôi mang theo từ sáng đã thay thế bằng một thứ mùi khiến tôi ám ảnh suốt buổi sáng. Hơn 11h trưa, đó chính là thời khắc tôi phải tạm biệt ngôi trường tôi đã mài mòn chiếc quần trong những năm cấp 3. Tầm 2h chiều thì mọi thứ chuẩn bị cho buổi liên hoan cuối năm, đúng hơn là cuối cấp đã đâu vào đấy. Kể từ lúc nó rời đi, bỏ tôi cũng lũ bạn ở lại đây thì đây là lần liên hoan thứ 4 và cả 4 lần đều vắng khuôn mặt nó. Cả tôi và bọn chúng đều mong nó, với tôi thì nên dùng 2 từ “ao ước”. Tôi ao ước câu nói đó sẽ trở thành hiện thực. “Đợi tớ, tớ sẽ về”.Sau tiệc tùng cả đám chia ra từng không gian khác nhau để trò chuyện, cười đùa. Có thể thời gian làm phai đi hình ảnh của nó trong đám bạn kia, nhưng với tôi thì không. Tôi lựa riêng cho mình một khoảng không gian yên tĩnh hơn, tôi tiến dần ra phía trước đường nơi có hàng ghế đá cùng với cốc nước lọc đầy ắp. Đặt lưng tựa vào ghế, đầu tôi hơi ngã về phía sau để có thể nhìn được những đám mây đang lơ lửng kia. Giữ lúc tôi còn đang mơ hồ với những đám mây trên cao ấy, một tiếng gọi của anh “ăn xin” làm tôi hoàn hồn. Tôi nhìn anh, dáng anh cao cao ngang ngửa tôi, người anh hơi gầy, chiếc nón lá đội lệch xuống làm tôi không tài nào có thể nhìn thấy khuôn mặt của anh được. Anh chìa đôi bàn tay gầy gồm của mình, tay anh hơi run với bộ dạng khốn khỗ của anh như cầu mong một sự giúp đỡ từ tôi. Tôi vội móc ví rút đưa cho anh tờ tiền 50.000đ mới căng, anh cầm rồi cúi khom người xuống nói “cám ơn!” rồi lẳng lặng bước đi. Đang với tay ra sau túi để cất lại chiếc ví tôi khựng lại bởi 2 tiếng cám ơn. Không phải vì nó quá xúc động hay nó khiến tôi bối rối trước một người ăn xin, mà bởi giọng nói đó, tôi biết giọng nói đó, cái cảm giác quen thuộc như bừng lên trong tôi. Từ đằng sau tôi đứng dậy khỏi chiếc ghế đá, tôi kêu to tên người bạn của tôi:

- “Minh”

Anh chàng kia dừng lại, người anh ta nghiên dần về phía tôi rồi từ từ quay lại. Lúc này, cả thế giới như dừng lại, tôi muốn tiến đến ôm anh chàng kia thật chặt vào lòng, anh chàng mà hơn 3 năm trước đã bỏ tôi lại với một đống ký ức rồi ra đi. Nó đứng đó trên tay vẫn còn cầm tờ tiền tôi vừa mới đưa, từ trong túi áo nó rơi ra một thứ gì đó được bọc lại bằng miếng nilon nhỏ rồi dán lại rất cẩn thận. Nó vội cuối xuống nhặt lại ngay dùng áo lau lau đi một ít bụi dính lên. Ra là đó, bông hoa giấy mà ngày ấy tôi trao lại cho nó, bông hoa héo úa khô khan hết cả rồi. Chắc thời gian quá lâu làm mất đi sức sống của nó, những cánh hoa màu trắng tinh không còn nữa, chúng khoát lên màu nâu xám xịt cuối đời. Chúng yếu ớt đến tuyệt vọng, dường như chúng không còn sức bám vào các đài hoa nữa, tôi thấy vào ba miếng băng dính trên cánh hoa như một sự níu kéo vậy. Cái tên Minh tôi vừa hét lên lúc nãy lan truyền vào tới trong nhà, mọi người đều nghe. Hình như mọi cuộc trò chuyện tán gẫu đều hoãn hết, chúng kéo nhau ra ngoài nơi tôi và nó đứng. Những con mắt tròn xoe đến những khuôn mặt ngơ ngát, sự hiện diện của Minh đã làm mọi người không hết nỗi ngạc nhiên. Cả đám vây quanh lại Minh, kẻ thì hỏi thăm người thì cầm tay vuốt ve. Tôi có thể cảm nhận được từng đoạn xương trên người nó, tay nó lạnh đần lên, khuôn mặt nó bối rối hơn bao giờ hết. Đôi mắt nó dần mọng nước, tôi có thể thấy cả hình ảnh của mình trong đó, rồi những giọt nước mắt cũng lăn trên má của nó. Nó khóc nhè! Cả bọn chúng đều khóc nhè và tôi cũng muốn, tôi muốn òa vào lòng nó, ôm nó thật chặt như một đứa trẻ xa mẹ đã lâu vậy. Nhưng sự thật tôi cũng đã xa nó đủ lâu để cho những nỗi nhớ, những tình cảm lớn dần theo thời gian rồi chín mùi đi.

- “Này, tất cả không tính vào trong này à”. Tôi cố nén lòng lại nói.

Cả đám kéo nhau vào, đứa nào cũng thi nhau đi bên nó, mặt nó vui hơn hẳn, nó cười lại và cũng bắt đầu chép chép cái mồm lóm lĩnh với nụ cười tỏa nắng. Mảnh sân nhỏ trong vườn vừa được dọn dẹp sạch sau buổi liên hoan lại được bày ra lại, lần này chỉ có một chiếc bàn đặt ở giữa sân với một đống đồ ăn trên đó. Cả đám đưa Minh lại ngồi vào đó và bảo phải ăn cho thật no vào mới được, còn bọn nó lui lại hàng ghế ngoài ngồi nhìn nó. Nó e ngại đến mức không dám cầm đũa lên mà gắp, mọi ánh mắt dồn về phía nó làm nó không dám động một ngón tay đừng nói là ăn cho thật no. Thấy vậy tôi từ từ tiến đến bên bàn, tay với thẳng một chiếc đùi gà lên ăn ngon lành còn cố nói với cái mồm đầy ắp thức ăn:

- “Cậu không ăn cứ để hết đó, tớ sẽ ăn giùm”.

Tính hay giành giật với tôi nổi lên, nó không còn để ý đến những ánh mắt kia nữa. Nó chồm dật cầm nguyên một cái giò heo to tướng lên gặm ngon lẻm, giọng vanh lại:

- “Ai bảo không ăn, cứ để đấy, tất cả là của tớ”.

Hai đứa trừng nhau như hai con thú tranh mồi độ chừng mươi giây rồi bật cười, cả đám chúng nó cũng cười phì lên, tiếng cười vang vọng xa xa ra khoảng không gian nhỏ lúc chiều tối ngã màu.

Tối đến tôi đưa nó về lại ngôi nhà cũ, cánh cổng bây giờ trống trãi hơn, tôi không còn cần thận mở cánh cổng như trước nữa. Cơn bão năm ngoái đã mang giàn hoa giấy đi mất. Nó tiến vào trong tiến đến bàn thờ bà thắp nến nhang nhìn một lúc lâu nó quay lại trò chuyện hỏi thăm tôi. Giọng nó khàn hơn lúc chiều, chắc bởi cái hơi lạnh ban đêm đã xuống, nó bắt đầu ho nhiều hơn. Nhìn dáng nó tôi hiểu căn bệnh thế kỉ kia đã tàn phá, ăn mòn từ thể xác đến tinh thần nó như thế nào. Tôi còn biết nó đang cố gắng gồng mình lại, luôn tỏ ra như không có gì nhưng những điều đó có thể qua mặt những đứa bạn kia còn với tôi thì không. Tôi biết tất cả... Ngày hôm sau cả tóp kéo đến, hết làm cái này rồi làm cái nọ. Đủ thứ đồăn, đủ thứ quà và đủ thứ tiếng cười vang lên trong căn nhà cũ. Tôi thấy được nụ cười hạnh phúc đến cùng trên khuôn mặt nó.

Tối nay tôi ngủ với nó, nó hơi mệt, nhịp thở nó ngắn dần. Hai đứa nằm kế nhau trên chiếc giường nhỏ của bà nó, tay tôi cầm chặt tay nó, tôi kể nó nghe cả những câu chuyện vui nhất, bí mật nhất của tôi. Tay nó còn cầm chặt bông hoa giấy năm xưa. Tôi nghe thấy mùi nhang nhẹ nhàng len lỏi bay qua. Tay nó lạnh, không còn nắm vững tay tôi nữa, tôi cầm chặt lại. Nó lại ho, tiếng ho dữ hơn, rồi ngắt quãng dần dần dứt hẳn. Lúc ấy hơn 1h khuya, nó đã đi trong cái lạnh của sương sớm. Chiếc chăn mỏng tôi đắp cho nó tôi sợ nó không đủ làm ấm nó được, tay tôi vòng quanh người nó ôm thật chặt nó vào lòng. Hàng mi tôi lại ướt đẫm, có gì đó đau nhói trong tim, một hàng nước mắt lăn đều trên má tôi rồi rơi xuống người nó. Đó cũng lần thứ hai tôi khóc.............Vì nó.

Và đâu đây thoang thoảng mùi hoa giấy bay nhẹ qua...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: