TRANG THƠ NHÀ GIÁO

GIỌT TÌNH... GỬI MUỘN

Cuộc sống là một chuỗi ngày dài bất ngờ. Từng bất ngờ này đi vào bất ngờ khác. Cái bất ngờ đầu tiên khi ta vui mừng tập nói được hai chữ Ba … ba…; và rồi bập bẹ gọi tiếng mẹ thân thương; tiếng gọi những người đã nuôi ta, sưởi ấm cho ta một tâm hồn tươi sáng.

Lật qua từng tập san, đọc lại từng trang viết, chúng tôi, những người làm nhiệm vụ đo đếm cân đo cái thể tự vô khối, vô thanh để mà phải ngẫm phải suy, rồi thoáng khẽ giật mình bởi trang viết của các em đưa chúng tôi đi từ cái thót tim đến cái tưởng chừng như không giữ nỗi. Không giữ nỗi hơi văn của mình mà muốn gửi lại cho em!

Cảm ơn các em! Cảm ơn các nhà nghệ sĩ không chuyên, mới tập làm thơ, mới thử nguệch ngoạc đôi dòng thả nổi trang văn. Cái vụng dại ngây ngô mới làm chúng tôi sửng sờ tin yêu những tâm hồn thơ trẻ. Nói thật với lòng mình. Cái đó mới là văn!

Tôi mượn đọc truyện viết họa tranh  “Hơi ấm”. Nội dung rất hay. Kể chuyện tình mẹ tình cha. Truyện viết bằng thơ: “ Con sai quấy, mẹ buồn mẹ khóc – Ba đánh con, ba đau xót dạ lòng” hay “ Mẹ yêu con bằng những cái ôm – Ba yêu con bằng bờ vai vững chắc ” để rồi “ Có bao giờ ta dùng những lời lẽ khiến người đau?” Câu hỏi nhỏ nhưng câu trả lời rất sâu. Liền “Hơi ấm” là “Thầy em” của Đinh Phan San Ny, rồi “Một người thầy” của San Ny và Thị Sữu lớp 11/1, cũng là truyện tranh, nhưng khác là truyện viết bằng thơ được các em thực thà ghi bằng hai chữ “sưu tầm” còn giờ là truyện các em tự viết. Viết bằng một lời kể rất ngây ngô: “Lần đầu tiên em thấy thầy là lúc thầy phát biểu trong lễ khai giảng” và “mặc dù thầy là một Hiệu trưởng nhưng thầy vẫn ân cần tỉ mỉ chăm sóc từng gốc cây”, “Thầy làm thơ rất hay – em biết được điều đó qua lời kể của các thầy cô…” để rồi gửi lời thầm lặng: “Em chúc thầy…” bằng những dòng chữ in sâu. In vào trái tim ai, dẫu biết rằng giờ đây thầy không còn đứng trên bục giảng. Lời chúc đâu cần sự hiện diện của chúc nhân!

Tôi lại bất ngờ khi đọc đến trang văn “ Tiếng gió lùa vi vu nghe sợ hãi, hòa quyện trong tiếng xào xạc của vài tiếng lá rơi. Một khoảng không gian yên tĩnh, hoang vắng đến vô cùng… Bỗng những vần thơ từ đâu vọng lại vang lên buồn da diết quyện theo cơn gió truyền vào tôi âm hưởng của nỗi sầu muộn, phá tan sự đê mê của tôi trong giây lát.”

Để rồi xuất khẩu thành thơ:

“ Đã một thời

Tôi là gió mùa thu

Thổi vào cuộc đời học trò những giấc mơ

Và bây giờ…

(Và)

Rồi ngày mai nữa…”

Bất giác reo lên mà chẳng nghĩ được điều gì.

Cái ngây ngô đôi khi trở thành người lớn, nhìn thấy kim đồng hồ mà ngẫm định mai sau: “vi vu ngang qua, tiếng gió nữa như hữu ý, như vô tình kia, vừa như an ủi tôi. Trong thoảng chốc, tôi quên phắc tâm hồn mình đang xao động, quên cả nỗi buồn vừa băng qua…” (Giấc chiêm bao - Trần Thị Y Uyên, 10/1)

Cứ như thế, tôi đọc từng tập san, từ tập nọ đến tập kia, hết trang viết này rồi qua trang viết khác.

Ai đó vô tình nói lớp em chỉ làm cho có, còn tôi thì không!

Tôi biết các em nói bằng cả lòng em, họa bằng cả ước mơ. Những trang văn viết ra là một dòng máu chảy, mỗi bức họa hình là chuỗi ngày đằng đẳng ước mong. Tôi ngồi đợi văn em không quản trời đang tối, đêm đọc thơ em nào đâu biết tháng ngày trôi.  Mái tóc bạc hòa vào mái tóc xanh tưởng mình như trẻ lại, ngớ ngẩn hỏi nhàu:

“Cô giáo con là ai hở mẹ?

Dẫu biết rằng là người đã dạy con.”

Con vẫn biết:

“Cô dịu hiền mà đứa nào cũng sợ

Mỗi lần sai… nhìn ánh mắt cô buồn”

                     (Người mẹ thứ hai – Thu tiên, 10/3)

Để rồi, lần hồi ngược dòng thời gian trở về với niềm hoài cổ, theo “ Năm tháng không quên” của Trần Thị Diệu My, 11/1 mà … “nhớ hôm ấy, buổi sáng mùa thu nắng đẹp, tôi nâng bước chân rụt rè bước vào trường. Ngôi trường nhỏ bé xinh xinh, bốn dãy liền kề. Tôi vô cùng ngạc nhiên trước quang cảnh sân trường chỉ 4 năm thành lập mà đã có rất nhiều cây xanh bao phủ.”

Đó cũng là cảm xúc chung của bạn cùng lớp, Mai Sương: “ Tôi vốn yêu hoa lá nên ấn tượng của tôi về ngôi trường là một khuôn viên đầy những cây xanh. Đặc biệt, trước dãy phòng giáo viên còn có một hàng chậu hoa cảnh… ” Cho “đến khi nhận ra mình rất yêu quí ngôi trường”  thì đã đến lúc chia xa, nhưng “ ngôi trường cũ đã chiếm một vị trí không thể thay thế” như lời của Chế Lan Viên từng viết:

“ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”

Rồi lần hồi theo “ Dòng chảy thời gian” của bạn Nguyễn Thị Kim Oanh, 10/2 lênh đênh “trên dòng chảy miệt mài ... Con người có những phút giây lắng đọng, lòng bồi hồi nhìn về miền xa thẳm, thấp thoáng, len lỏi trong màn sương kí ức mờ mờ ảo ảo tìm lại thấy chính mình mà ngỡ như vừa mới đây thôi”. “Một góc khuất của thời gian” con từng dành cho mẹ cứ ngỡ rằng đó là người mẹ sinh ra con. Không! Đó là người mẹ thứ hai, người không mang nặng đẻ đau, nhưng đó lại là người đã nuôi dưỡng tâm hồn con khôn lớn. Cô giáo năm nào “bởi chưng hay ghét cũng lại là hay thương”. Cái thương muộn màng gieo thành kỉ niệm. Cô giáo không còn mọi nỗi niềm ân hận cũng bằng không. Truyện viết của các em nghe rất quen song đọc không nhàm. Bởi cái lối kể truyền thống xưa lại mang một sắc màu hiện đại. Đôi lúc nợ cô trăm ngàn không đáng giá là bao. Tiền học cô có đòi đâu. Thay bằng nén nhang thắp viếng cô trong ngày tang tóc. Nỗi đau oặn trào từng giọt nước mắt tuôn xõa thành khe. 

Truyện viết về thầy, về cô của các em rất nhiều. Tôi đọc hơn chục tập san có hơn mười bài viết về thầy Hiệu trưởng. Vẫn dáng hao gầy, vẫn mái tóc đượm màu sương muối, vẫn cái nhìn trìu mến phút chốc hóa thành thơ. Người Thầy ấy là ai, chắc cả trường ta đều biết. Song tại sao viết nhiều? Điều đó cũng là quy luật của chúng nhân.

Tôi lật tiếp tập san của 12/1, tập san được đóng theo kiểu siêu gồ, cách lệ phá vỡ lối mòn cũ kỹ ước quy. Một tập mà cả bốn người ôm, ôm cả sách, ôm cả thơ, ôm cả những dòng văn trong quá khứ. Bạn Trường Giang đã đưa chúng ta trở về với dòng sông của mẹ. Dòng sông để con tắm mát trưa hè, để nâng đỡ cả giấc mơ. Mẹ cố gượng giữ một đứa con, dẫu cho sức mẹ đã tàn lực mẹ đã kiệt. Mẹ không thể vứt bỏ một hình hài, một giọt máu của tình thương.

Rồi tôi lại đọc một lời tâm sự, một bức thư gửi thầy mới hiểu hết được nỗi lòng em. Các em bận tâm vì nỗi đau của thầy chủ nhiệm. Cái chuyện phụ đạo của trường nào đâu phải là hình thức kinh doanh. Nhà trường muốn các em thành đạt, đỗ cao, đâu phải là sai. Chỉ sợ các em chây lười, chủ quan mới tạo ra lớp học này lớp học khác. Thầy đâu phải vì tiền, xin các em một điều, nhân tâm đức trị mới thành Sư.

Thầy rất hiểu tấm lòng của các em. Dòng hồi kí ngày... tháng... năm... các em ghi thầy đọc qua  một lần mà sao vẫn nhớ. Cái Trâm nhỏ nhắn thuở nào thầy vẫn nhớ như in. Cô Tuyền nhớ cái Trâm, thầy Vân vẫn nhớ cái Trâm, ước Trâm ở nơi xa vẫn luôn nhớ về lớp cũ, nhớ bạn bè nhớ thầy cô giáo mà cố gắng vươn lên.  Và vẫn ngày ...tháng... năm... thầy giáo Pecbôni đã khuyên Enricô rằng “cố gắng lên một tí, chỉ cần cái gắng sức ban đầu thôi, vì nhiều khi không phải là không có năng khiếu đâu, mà chỉ vì ta cứ có một thành kiến như vậy, rồi thành kiến ấy dễ dàng xuôi ta lười biếng ”. Các em tự viết về các em, viết cái khẽ đầu của thầy giáo dạy văn, viết lời giảng say sưa của thầy dạy sử. Mãi mãi là hành trang cuộc đời, là cuộc sống của ngày mai.

Rồi các em lại viết về thầy cô. Viết không phải để khen mà để chê. Chê rất sâu. Thầy không giận đâu. Thầy rất vui và thầy tin các thầy cô khác cũng vậy. Một chút cười thâm thúy để lại một triết lý cho đời sau. (Thầy giáo khoe: thuở còn học sinh) “ Năm nào thầy cũng được giải quốc gia về môn tự nhiên”. ( Học trò đáp): “ À em hiểu rồi! Đó là do thầy giáo của thầy giỏi hơn thầy giáo của chúng em” .

Lần nữa, cảm ơn các em. Cảm ơn các em đã đưa chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cái khát vọng của tâm hồn, cái dí dỏm của tuổi thơ. Cái ngớ ngẩn, ngu ngơ, dại khờ lại là cái thông minh đột biến. Cái tưởng chừng không có lại là vốn có trong mỗi chúng ta.

Xin được khép lại bài điểm báo ở đây. Chúc tất cả chúng ta, ai ai cũng đều được giải. Giải thưởng lớn nhất trong hội thi này là nói được những gì mình muốn nói, viết được những gì mình muốn viết và muốn được chính mình trong cuộc sống của ngày mai!

                                                      Tam Kỳ, đêm 14,15 tháng 11 năm 2015.

                                                                       VÕ VĂN VÂN


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: