TRANG THƠ NHÀ GIÁO

GIỚI THIỆU BÀI THƠ HAY

Bài thơ “EM YÊU, EM CŨNG THẾ” (Lermôntôp)

Có một lão ăn mày

           Xoè tay dưới tượng thánh

Để xin một vài xu,

 

           Bọn trẻ con ranh mãnh

          Đặt tay lão mảnh sành

           Cho mắt mù ứa lệ.

 

         Em yêu, em cũng thế

         Em đùa cợt tình anh

Cho tim mù ứa lệ.

 

 

LỜI BÌNH: EM – ANH VÀ TRẺ CON

(Đăng báo Thế giới trong ta năm 2006)

 

Bài thơ Em yêu, em cũng thế của nhà thơ Nga thiên tài Mikhain Iurevich Lermôntôp (15 .10.1814 – 27.7 1841) được mở đầu bằng giọng kể trầm lắng, suy tư:                    

   Có một lão ăn mày

                            Xoè tay dưới tượng thánh

   Để xin một vài xu,

 

                     Bọn trẻ con ranh mãnh

                   Đặt tay lão mảnh sành

                  Cho mắt mù ứa lệ.

 

                  Em yêu, em cũng thế

                  Em đùa cợt tình anh

                   Cho tim mù ứa lệ.

 

          Chuyện tình yêu là muôn thuở.         Nay nhà thơ Lermôntôp đem đến cho bạn đọc một liên tưởng bất ngờ: từ chuyện một “lão ăn mày” xen ngang chuyện tình “anh” và “em” . Lão ăn mày “xoè tay” niệm cầu dưới “tượng thánh”, những mong ân trên ban “một vài xu” nuôi sống qua ngày. Lão tìm đến “thánh” như tìm đến một điểm tựa tin cẩn. Có lẽ, bởi xưa nay thánh vốn hay ban phước lành cho chúng sinh như nhiều người vẫn từng quan niệm chăng? Nào ngờ, “lũ trẻ con ranh mãnh” làm điều vô tâm, khờ dại:

Đặt tay lão mảnh sành

Chúng nhằm vào điểm yếu là đôi mắt mù loà của lão để biến thành trò đùa vô lối. Thương thay! Tại “mảnh sành” kia cũng đem đến vị mát lạnh như đồng tiền xu chăng? Một cảm giác đổ vỡ lộ rõ trong lòng lão ăn mày và cả trong tâm hồn người đọc. Một cảm giác xót xa, cay đắng cho thân phận bọt bèo! Thiết nghĩ, dẫu sao suy nghĩ và hành động của trẻ con vẫn chưa đủ chín chắn. Chúng làm tổn thương ông lão mù loà mà không hay biết, lòng không hề áy náy. Chúng chỉ coi đó là trò đùa trẻ con thôi mà! Hiểu như thế, lão ăn mày ứa lệ mà bớt nặng lòng trách trẻ…

Còn em, sao “em yêu cũng thế”? Tác giả chuyển ý thơ khéo léo đến bất ngờ! Chàng trai không hờn trách “em” nhiều nhưng ngôn từ “cũng thế” bao hàm những gì chàng muốn nói. Kèm theo sự ngạc nhiên là nỗi lòng nghi vấn lớn. Sao em có thể như đứa trẻ kia vô tâm đùa cợt? Sao em lại mang anh ra làm trò đùa tàn nhẫn trong tình yêu? Anh vẫn gọi “em yêu” mà cay đắng nhận ra anh cũng chỉ là đứa trẻ, khờ khạo tin để bị dối lừa. Trái tim mù loà bị tổn thương giờ đang ứa lệ khôn nguôi. Trẻ con lừa dối người già là cái tội, nhưng vì là con trẻ nên đôi khi có thể thứ tha. Còn em lừa dối anh thì phải làm sao? Có lẽ bởi trót yêu em, anh chấp nhận chuốc lấy khổ đau, đa mang một chặng đường tình?

Thi phẩm Em yêu, em cũng thế đậm chất tự sự và thắm nồng giá trị nhân văn sâu sắc. Ở đó, Lermôntôp đưa đến chúng ta dư vị trầm lắng, ưu uất của một cuộc tình. Đồng thời nhà thơ cũng cho ta hiểu thêm sự đa điệu của tình yêu khiến muôn người, muôn đời vẫn không nguôi thổn thức…

                                                                                                                                                                                                                   HOÀNG THUỶ

                                                          THPT DUY TÂN, TAM KỲ, QUẢNG NAM


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: