TRANG THƠ NHÀ GIÁO

TẢN MẠN MÙA THI BÊN CỘI KHẾ GIÀ…

Xôn xao mùa thi THPT Quốc gia, học sinh loay hoay với đống hồ sơ, ngổn ngang chọn trường, chọn ngành…Thấy mà thương và cảm nhận sự hối hả của guồng quay thi cử thời @.

Sinh ra và lớn lên gắn với ruộng đồng, tiếng cũng gần phố thị nhưng lũ trẻ quê chúng tôi có một khoảng trời riêng biệt. Khác với những người bạn thị thành khi nào cũng váy áo xênh xang, làn da trắng mịn, chúng tôi một buổi đi học, một buổi về phụ ba mẹ làm đồng, màu da nhem nhẻm. Việc chăn trâu, cắt cỏ, băm bèo, thái rau…đã thành một thói quen. Nhiều bạn vì điều kiện gia đình mà nghỉ học giữa chừng hoặc bởi người quê hồi ấy cứ quan niệm “học chi cho lắm, nhất là con gái…”. Mẹ vẫn lặng lẽ động viên tôi phải học, để kiếm cái nghề tốt hơn, thoát khỏi chân lấm tay bùn như đời ba mẹ.

            Mùa thi đại học đến, có khi một buổi đi học, một buổi dắt trâu ra đồng, mang theo quyển sách và tập giấy vở. Có khi vắt vẻo trên lưng trâu rồi cao hứng phịa nhạc vào bài thơ cho dễ nhớ, dễ thuộc. Ngày ấy, cơ hội vào đại học còn khó khăn, trường tuyển chỉ tiêu có giới hạn. Lâu lắm rồi cả làng tôi chưa có ai đậu đại học. Mãi đến năm 1983, anh trai tôi đậu đại học tổng hợp Huế. Đó như là kì tích, là niềm vui từ nhà ra ngõ. Vậy nên ba mẹ có niềm tin mà cứ ước tôi cũng sẽ làm được. Ba mang cái chõng tre và bàn gỗ nhỏ đặt dưới cây khế già, phía sau vườn nhà. Đó là khoảng trời bình yên. Sau này tôi gọi đó là khoảng trời đại học. Sách vở bày ra trên bàn, tôi đánh dấu những câu hỏi trong bộ đề thi rồi một mình tự đối thoại, tự học. Trong làng năm ấy chỉ có tôi và một người bạn đi thi nhưng lại khác khối thi nên cũng không cùng học chung được. Những lúc thấy mệt mỏi, tôi leo tọt lên cây khế già, ngồi ngay giũa chạc ba. Mùa này khế đang nở hoa, những cánh hoa màu hồng hồng, tim tím nhỏ xíu từng chùm đong đưa. Nghịch ngợm, tiện tay tôi ngắt vài bông hoa đưa vào miệng, vị chua chua, ngọt ngọt đậm đà thật lạ! Hèn gì mấy con ong vò vẽ, mấy con bướm trắng, bướm vàng cùng tôi cứ quẩn quanh bên cội khế già. Mấy chú chim sâu cũng hoà với tiếng ve làm nên bản hoà tấu đa sắc màu…

            Mãi rồi cũng đến ngày thi. Như bao bạn bè khác, cả một biển trời mơ ước phía xa xa, cả những mộng mơ về ngưỡng cửa mới mẻ, những giảng đường, những miền đất lạ…Chúng tôi cuống quýt, hối hả bước vào ngày thi.

Đi qua mùa thi, ba ngó nghiêng cây khế rồi cười cười: “Chỗ chạc ba của cây khế mà mòn kiểu ni e đũng quần con bé cũng mòn hết rồi”. Ngó xuống, ờ, mòn thật. Được cái đầu óc sáng ra.

Ngày ấy, mãi gần cả tháng trời mới biết kết quả đại học. Tôi nhảy cẫng lên, miệng cứ “bla… bla…ta đã làm được…”. Chạy tuột ra vườn, ôm cây khế lắc lư, lại leo lên cái chạc ba cười sung sướng “Khế ơi, tao đậu rồi, cảm ơn mày!”. Chẳng biết khế có hiểu không nhưng cành lá cứ rung rinh vẫy chào…

Ba mẹ làm mâm cơm gọi là cáo với tổ tiên, mừng con đạt được ý nguyện bước đầu. Bà con, hàng xóm đến chúc mừng. Ăn miếng trầu cay, uống bát chè xanh mà đậm nghĩa, đậm tình. Có cụ bà, cụ ông dúi mấy ngàn bạc vào tay tôi “cầm đi con cho cụ vui, cụ mừng lắm, làng ta nở mày nở mặt…”. Nghe rưng rưng trong lòng. Tôi dọn chiếc chõng tre và cái bàn gỗ vào nhà, không quên khắc ngày tháng lên cây khế già như lời nhắn nhủ…

Năm tháng trôi đi, cuộc sống bộn bề. Cây khế già vẫn vẹn nguyên trong nỗi nhớ. Cho đến năm ấy, bão lớn quật ngã cây khế. Nghe tin, thảng thốt nuối tiếc, thầm nhủ, chắc nó đã già…Ngày trở về, mẹ chỉ vào bộ rễ bong khô để ở góc vườn, thấy nhói trong lòng. Khoảng trời bình yên, khoảng trời đại học ngày xưa giờ chỉ còn hằn sâu trong kí ức? Khế ơi!

               Hoàng Thuỷ

GV THPT Duy Tân, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: